Quốc hội thảo luận 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia:

Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả kinh tế của các dự án

Thảo luận tại tổ sáng nay, 6.6, về chủ trương đầu tư các dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần lưu ý tới các giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả kinh tế của các dự án.

Hạn chế thấp nhất lãng phí, thất thoát, tiêu cực

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, “Đại lộ là đại phú, trung lộ là trung phú, tiểu lộ là tiểu phú. Ở chỗ nào có đường xe bốn bánh đi được thì thuận lợi cho giao thông, người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng, kinh tế - xã hội có điều kiện phát triển hơn”. Với phương châm đó, việc triển khai các dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) là cần thiết.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả kinh tế của các dự án -1
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thời gian qua, nước ta đã quan tâm, tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình đường cao tốc nhưng so với tiêu chuẩn thế giới thì chưa đạt. Trong khi đó, nhiều tuyến đường cao tốc đã được đầu tư nhưng đến nay cần phải nâng cấp, chẳng hạn như các đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, do nhiều yếu tố tác động như giải pháp về công nghệ, các điều kiện về thổ nhưỡng của vùng, miền…

Việc đầu tư xây dựng đường xá rất tốn kém, vì vậy khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây đường cao tốc ở phía Nam, điều mà các đại biểu Quốc hội quan tâm là giải pháp công nghệ như thế nào để bảo đảm được chất lượng. Cùng với đó, phải bảo đảm chọn nhà thầu có năng lực thi công, hạn chế thấp nhất lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Muốn làm được hai việc trên thì phải có đủ vốn để thực hiện. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình phương án, song các đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn về khả năng bố trí vốn thực hiện đồng thời 5 dự án trong khoảng thời gian ngắn từ nay đến năm 2025. Trong vòng 3 năm rưỡi tới đây, chúng ta sẽ cần số vốn rất lớn, cần phải cân đối giữa ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, phương thức hợp tác công - tư. “Nhà thầu nào cũng cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ nhưng phải có vốn thì mới thi công được”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Trách nhiệm của các địa phương rất rõ

Bên cạnh những vấn đề trên, các đại biểu cũng băn khoăn về công tác đền bù, tái định cư, thu hồi đất để triển khai các dự án. Thực tế cho thấy, địa phương nào thực hiện quyết liệt, có sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể vận động Nhân dân thì tiến độ triển khai dự án được nhanh; làm không tốt thì kéo dài nhiều năm, đội vốn. Dự án sân bay Long Thành là một ví dụ. Quốc hội đã bố trí vốn để thực hiện công trình trọng điểm quốc gia này trong nhiều năm nay nhưng công tác đền bù, tái định cư, thu hồi đất chậm, dẫn tới có tiền nhưng tiến độ thực hiện chậm.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả kinh tế của các dự án -0
Đoàn ĐBQH Hà Giang, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Hiện nay, một số địa phương đã có cam kết bố trí ngân sách địa phương để tham gia thực hiện các dự án này. Song, với những địa phương có thu, điều tiết ngân sách về Trung ương thì dễ, những địa phương không có nguồn thu, chưa tự cân đối được ngân sách thì cũng sẽ rất khó khăn chứ không phải đơn giản.

Quyết tâm chính trị để thực hiện các dự án này đã có. Bộ Chính trị đã cho chủ trương đầu tư các dự án này. Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội đã triển khai, cụ thể hóa và làm rất khẩn trương trong thời gian qua để có Tờ trình, hồ sơ dự án trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp này. Đây cũng là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các Bộ có liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính…  

"Nếu Quốc hội thông qua được chủ trương thực hiện 5 dự án lớn tại kỳ họp này sẽ mang tính lịch sử. Việc triển khai nhiều công trình trọng điểm cùng với các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội được kỳ vọng sẽ tạo cú hích, đột phá về phát triển kinh tế - xã hội", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh. 

Nhu cầu thì rất lớn, chỗ nào có đường mở ra thì giao thông thuận tiện, dễ dàng song phải tránh chuyện có những chỗ “xe chờ đường” nhưng có chỗ lại “đường chờ xe”. Vì vậy, điều mà các đại biểu Quốc hội quan tâm là tính khả thi của dự án, khả năng thu hồi vốn và hiệu quả kinh tế khi triển khai dự án. Chủ trương và sự đồng thuận đối với các dự án là rất cao. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, lần này, trách nhiệm của các địa phương rất rõ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, giám sát việc triển khai tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm hoàn thành nhanh nhất. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp triển khai quyết liệt để đến năm 2030 các dự án có thể hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Thảo luận tại tổ 8 (gồm các Đoàn ĐBQH Hà Giang, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang) về nội dung này, một số đại biểu khác cũng nhất trí với sự cần thiết đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm này; đồng thời đề nghị các địa phương có dự án đi qua cần quan tâm tới công tác giải phóng mặt bằng. ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng,mặc dù hiện này Quốc hội mới chỉ xem xét, quyết định về mặt chủ trương đối với việc đầu tư cho các dự án, nhưng cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng khả năng hoàn thành, tránh tình đội vốn và cần đánh giá tác động môi trường của các dự án. ĐBQH Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế) cho rằng, đây là những dự án đặc biệt trong thời điểm đặc biệt, vì vậy nên có những cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như việc hình thành lập các nhóm công tác, “ứng chiến” nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án.

Chính trị

Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X
Sự kiện nổi bật

Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Tối 3.12, tại Nhà Hát lớn, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Nguyễn Trọng Nghĩa dự và phát biểu chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản
Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản

Đúng 19h10 tối 3.12, (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Haneda, Thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4 - 7.12 theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân.

Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki và Phu nhân tiễn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân lên đường thăm chính thức Nhật Bản trưa 1.12 tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội
Chính trị

Tạo xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản

Ngay sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore từ ngày 1-3.12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4 - 7.12 theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị mới, đồng thời cũng là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 12 năm kể từ năm 2012.

Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác Quốc tế - Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Quế Lâm
Sự kiện nổi bật

Lan tỏa hình ảnh Việt Nam, giá trị Việt Nam, trí tuệ Việt Nam ra thế giới

Tối nay, 3.12, Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội. Trước thềm sự kiện quan trọng này, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác Quốc tế - Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Quế Lâm cho biết, Giải thưởng không chỉ khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống các giải thưởng quốc gia uy tín của Việt Nam mà còn là diễn đàn sáng tạo và lan tỏa hình ảnh Việt Nam, giá trị Việt Nam, trí tuệ Việt Nam ra thế giới.