Ủy ban về các vấn đề Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2021

Bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội

- Thứ Hai, 12/04/2021, 07:20 - Chia sẻ
Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, chính sách, pháp luật về xã hội tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội. Với vai trò “gác cổng” cho Quốc hội về hệ thống pháp luật trong lĩnh vực xã hội, trên cơ sở phân tích chính sách, lắng nghe thông tin đa chiều trong nước và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các luật, pháp lệnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bám sát thực tiễn cuộc sống, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.

Hài hòa lợi ích các bên

Nổi bật trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực xã hội phải kể đến pháp luật về lao động, việc làm với những thay đổi hết sức quan trọng và tiến bộ. Trong đó, Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều điểm mới nhằm bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản như quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động và bảo vệ lao động chưa thành niên.

	Đoàn giám sát Ủy ban Về các vấn đề xã hội thăm mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn Vietgap ở thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang Ảnh: Huy Hoàng
Đoàn giám sát Ủy ban Về các vấn đề xã hội thăm mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn Vietgap ở thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang
Ảnh: Huy Hoàng

Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã chủ động đề xuất và bảo vệ quy định về mở rộng đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi và bảo vệ người lao động ở cả khu vực phi chính thức; kiên quyết duy trì quan điểm lấy người lao động là trung tâm, ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động; đồng thời, phải bảo đảm hài hòa với lợi ích của người sử dụng lao động, trên cơ sở đó nhiều quy định về điều kiện lao động đã bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, linh hoạt hơn nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, vừa phù hợp với vận hành của cơ chế thị trường…

Nhớ lại quá trình thẩm tra và hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động năm 2019, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, thông qua Bộ luật Lao động năm 2019 vô cùng phức tạp và khó khăn vì có những xung đột về lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động. Chức năng của Quốc hội là phải hòa hợp lợi ích của các bên để quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động được bảo đảm công bằng, chống lợi ích nhóm, chống sự bóc lột của chủ sử dụng lao động đối với người lao động và cũng phải tạo một cơ chế để người lao động vươn lên, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng thu nhập. Vì thế, trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ  luật, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của tất cả các bên.

“Điểm sáng là những ý kiến xung đột về các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, thời gian làm thêm, các chính sách đối với lao động nữ… đều được hóa giải khi thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, vì thế, Bộ luật được các bên trong quan hệ lao động đánh giá là đúng mức, công bằng, hiệu quả và bảo đảm lợi ích. Cho đến nay, Bộ luật Lao động năm 2019 đã đi vào cuộc sống, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn và quan trọng nhất là không phát sinh vướng mắc”, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Tiếp đó là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đã bổ sung nhiều chính sách, quy định mới. Trong đó, một số chính sách, quy định mới thể hiện dấu ấn mạnh mẽ của Ủy ban về các vấn đề Xã hội như: Thể hiện rõ sự gắn kết và thống nhất, đồng bộ với các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về các quyền cơ bản của người lao động nhằm bảo vệ tốt hơn người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Hài hòa hơn với các công ước của ILO và thông lệ quốc tế cũng như mạnh mẽ bảo vệ người lao động khi nghiêm cấm phân biệt đối xử và cưỡng bức lao động trong di cư lao động và cho phép những người lao động bị ngược đãi hoặc bị đe dọa ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải chịu phạt về tài chính; bỏ phí môi giới và quy định chặt chẽ các nguyên tắc xác mức trần tiền dịch vụ mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp dịch vụ. 

Đồng thời, quy định minh bạch và tạo điều kiện thông thoáng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông qua giảm thiểu các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước cả đối với doanh nghiệp dịch vụ và người lao động. Quy định rõ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước chỉ tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động, doanh nghiệp; bảo đảm không trùng lặp nhiệm vụ chi của hoạt động quản lý nhà nước, của doanh nghiệp… 

Dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực an sinh xã hội

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, chính sách an sinh xã hội cũng đã thay đổi rất nhiều, thể hiện rõ nét nhất qua đại dịch Covid-19. Nhà nước đã thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó, nổi bật là chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi bị mất việc làm. Chính phủ cũng nhanh chóng đưa ra gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ với trị giá 62 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đến nay, ước tính hơn 16 triệu người đã được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này, giúp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp; bảo đảm thu nhập và đời sống cho người lao động.

Cũng trong nhiệm kỳ này, trên cơ sở kết quả Phiên giải trình về thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2013 - 2016, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan bố trí ngân sách nhà nước trong 2 năm 2017, 2018 để thực hiện căn bản việc hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng (giai đoạn 2); đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung, chính sách hỗ trợ về nhà ở nói riêng để kịp thời hướng dẫn, xử lý những vướng mắc, bất cập và bảo đảm thực hiện chính sách đồng bộ, thống nhất trên cả nước.

Năm 2020, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra, chủ trì tiếp thu, chỉnh lý để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tổng thể các chính sách đối với người có công đã được điều chỉnh theo hướng bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, thể hiện đúng tinh thần đền ơn đáp nghĩa; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các trường hợp vi phạm chính sách, pháp luật ưu đãi người có công. Bên cạnh đó, các chính sách, chế độ hỗ trợ, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội cũng được thực hiện tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống người dân không ngừng được cải thiện đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 

Dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực an sinh xã hội trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 là việc “thu gọn” 17 chương trình mục tiêu quốc gia còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, cứ 2 năm/lần, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tổ chức giám sát và thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết này. Qua đó đã kiến nghị Chính phủ bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ nêu tại nghị quyết để tiếp tục cụ thể hóa các định hướng chính sách giảm nghèo bền vững; lựa chọn ưu tiên, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả trong 2 năm cuối (2019 - 2020). Kết quả đến năm 2020, công tác giảm nghèo cơ bản đã hoàn thành phần lớn các nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết.

Để chuẩn bị cho giai đoạn tới, bên cạnh việc Chính phủ ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó quan tâm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bổ sung chiều thiếu hụt việc làm và khắc phục bất cập về các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt, Ủy ban đã kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban cũng đã tiến hành phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật năm 2019. Trên cơ sở đó, Ủy ban đã kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật để kịp thời đề xuất việc điều chỉnh chính sách cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn; đồng thời kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật nhằm thích ứng với thực trạng già hóa dân số và gia tăng số lượng người khuyết tật.

Những thành tựu quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, lao động, việc làm của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV được các đại biểu Quốc hội ghi nhận đã đặt nền móng quan trọng để thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013. Trong từng chính sách, từng đạo luật ấy đều ghi những dấu ấn đậm sâu về tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh của Ủy ban và Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội. 

Nhật An