Thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA)

Bảo đảm tầm nhìn dài hạn

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 07:52 - Chia sẻ
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên nhấn mạnh, để thực hiện các FTA hiệu quả cần có sự nỗ lực, phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cần gắn kết hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, nhằm bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế.

Cần sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ 

Qua cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ và một số bộ, ngành, đơn vị liên quan, Đoàn giám sát cho rằng, quá trình tham gia các FTA đã đem lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia như tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy cải cách thể chế… Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), lợi ích rõ nhất là tăng trưởng GDP của Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều nhờ xuất khẩu tăng mạnh thông qua các FTA. Năm 1996, xuất khẩu của ta chỉ chiếm khoảng 30% GDP thì đến năm 2019 đã chiếm hơn 100% GDP. Các số liệu cho thấy, GDP bình quân đầu người đã có sự cải thiện rất lớn. Năm 1995, GDP đầu người có 276 USD thì đến nay GDP bình quân đầu người đã là 2.740 USD, gấp 10 lần. Điều đó cho thấy rằng, việc ký kết các FTA đã hỗ trợ xuất khẩu, giúp chúng ta giảm nghèo, nâng cao thu nhập GDP bình quân đầu người. Sự lan tỏa của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến rất nhiều lĩnh vực, tác động tới từng ngõ ngách, đến người lao động giản đơn… 

Đương nhiên, bên cạnh đó, còn một số hạn chế, đó là chưa khai thác triệt để cơ hội FTA mang lại, chưa tận dụng các ưu đãi phi thuế quan, nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện năng lực cạnh tranh chưa cao, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu còn chậm… Thực tiễn triển khai các FTA cũng cho thấy những bất cập, hạn chế trong việc ban hành chính sách, pháp luật; trong tổ chức, điều hành. Cụ thể, hệ thống các chính sách, pháp luật nhìn chung còn thiếu, yếu và chồng chéo, cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thực hiện các cam kết. Việc tổ chức thực hiện các FTA chủ yếu được thực hiện ở một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đồng bộ và chủ động tại tất cả các địa phương. Đơn cử, trong công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA, trong khi các cơ quan của Chính phủ nói rằng đã triển khai đầy đủ, thậm chí là “làm rất tốt”, thì doanh nghiệp nói rằng “chưa biết đến”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho rằng, ở đây có hai mặt của vấn đề: một là, doanh nghiệp của chúng ta chưa sẵn sàng; hai là, tổ chức thực hiện chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, “dù chúng ta có tổ chức thực hiện tốt đến đâu nhưng để bảo đảm hiệu quả toàn diện của các FTA thì cần sự vào cuộc của cả tất cả bộ, ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị, kể cả các cấp chính quyền, hiệp hội ngành nghề…”. Mặc dù vậy, theo người đứng đầu ngành công thương, cần phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đặc biệt là cần có cơ quan đầu mối về tổ chức thực hiện các FTA ở Trung ương và các bộ, ngành.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, thực tế, chúng ta mới chỉ có hiệp định CPTPP và EVFTA là phân định rõ Bộ Công thương là cơ quan đầu mối, còn các FTA trước kia không có phân công nhiệm vụ đầu mối tổ chức thực thi. Điều đáng mừng là, với EVFTA, chúng ta không những phân công cơ quan đầu mối mà còn có cả chương trình hành động quốc gia rất rõ ràng, đầy đủ. Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực thi EVFTA đã bao trùm tất cả các hoạt động, từ hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các chính sách về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử… “Đây là kinh nghiệm tốt và thông qua chuyên đề giám sát này, chúng ta có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật cũng như công tác điều hành”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

Nguồn: ITN

Không thụ động trong thực hiện các FTA

Mặc dù vẫn còn câu chuyện tăng trưởng phụ thuộc vào khu vực FDI, chưa có sự kết nối giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước… nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cùng với nỗ lực cải cách để hội nhập kinh tế quốc tế thì cần đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trong việc ban hành cơ chế, chính sách phát triển. Bộ trưởng Bộ Công thương lấy ví dụ, “nếu không có những cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái công nghiệp, thì chúng ta không thể nói đến chuyện doanh nghiệp Việt Nam phát triển vững mạnh, trở thành đối tác tương xứng với khu vực FDI. Chính vì vậy, Trung ương cần dành ra những chính sách ưu tiên để thúc đẩy phát triển, nâng cao nội lực, có như vậy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mới mang lại hiệu quả toàn diện.

Cùng với nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần làm đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện cải cách trong nước, ban hành các chính sách phát triển. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hỗ trợ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực thi có hiệu quả FTA. “Đặc biệt là tạo tâm lý không thụ động và phải có sự tích cực vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp; các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại”, Bộ trưởng mong muốn.

Báo cáo của Tổ giúp việc, Đoàn giám sát cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về FTA và thị trường các nước đối tác cần được cải tiến; nội dung FTA khó hiểu, khó tiếp cận và trao đổi với Đoàn đàm phán… do đó, cần có sự tham gia của hiệp hội ngành hàng, các cơ quan đàm phán. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp cũng là vấn đề đặt ra trong việc thực thi các FTA. Nếu không có sự chủ động của doanh nghiệp thì những tồn tại trong thực thi các FTA, như doanh nghiệp chưa quan tâm tìm hiểu về cơ hội mà các FTA mang lại, chưa tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi chưa cao, chưa khai thác tối đa các thị trường có FTA để đẩy mạnh xuất khẩu hay năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu… sẽ còn tiếp diễn. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, sự chủ động là yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp trong việc thực thi các FTA. Và, "có lẽ cần nâng lên thành văn hóa của thời kỳ hội nhập, đó là sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp”.

Nhật An