Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Bảo đảm sự thống nhất về số liệu, thông tin thống kê

- Thứ Ba, 26/10/2021, 06:53 - Chia sẻ

ĐBQH Hoàng Thị Thúy Lan (Vĩnh Phúc)

Từ khi Luật Thống kê được ban hành và có hiệu lực (1.7.2016) đến nay, tình hình thế giới cũng như trong nước đã có nhiều thay đổi, khoa học và công nghệ phát triển nhanh, trong thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, chưa có tiền lệ, đặt ra những yêu cầu mới trong phương thức quản trị, điều hành, kể cả đối với hoạt động thống kê. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Thống kê và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia để xem xét mức độ đáp ứng yêu cầu của công tác thống kê trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tới.

Đã giải quyết triệt để sự không thống nhất hay chưa?

Khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật quy định “Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tử của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”. Thực tiễn hiện nay vẫn còn tình trạng chênh lệch số liệu thống kê giữa Trung ương và địa phương, giữa Tổng cục Thống kê và thống kê bộ, ngành về một số chỉ tiêu, trong đó có GDP và GRDP như Chính phủ có nêu... Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động thống kê.

Vì vậy, việc bổ sung quy định như dự thảo Luật là cần thiết để bảo đảm sự thống nhất về số liệu, thông tin thống kê giữa Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê, các sở, ngành tại địa phương, giúp các cơ quan địa phương, Trung ương đánh giá đúng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó đề ra các kế hoạch, chiến lược đúng đắn trong xây dựng, hoạch định, quản lý, điều hành, điều chỉnh hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương và cả nước.

Tuy nhiên, cần làm rõ việc “phải thống nhất” này được thực hiện như thế nào? Nếu chỉ quy định việc phải thống nhất giữa cơ quan thống kê cấp tỉnh với cơ quan thống kê Trung ương đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia thì đã đầy đủ và giải quyết triệt để được sự không thống nhất về số liệu, thông tin thống kê giữa các cơ quan thống kê hay chưa?

Bên cạnh đó, so với Luật Thống kê năm 2003, Luật Thống kê năm 2015 đã bổ sung nhiều quy định mà Chính phủ giải trình tại thời điểm đó là để giải quyết vấn đề chênh lệch số liệu thống kê, như: Hoàn thiện môi trường pháp lý; tăng cường chế tài xử lý vi phạm các hành vi nghiêm cấm; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến và công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê; tăng cường vai trò điều phối hoạt động thông kê nhà nước của cơ quan Thống kê Trung ương; thẩm định hệ thống chỉ tiêu bộ, ngành và phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; thẩm định phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành... Đề nghị báo cáo rõ hiệu quả của việc áp dụng các quy định này như thế nào? Nếu việc ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến này thực sự tương xứng với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nó trong hoạt động thống kê cũng như việc thực hiện nghiêm các quy định có liên quan thì còn tình trạng chênh lệch về số liệu thống kê giữa các cơ quan hay không?

Bảo đảm sự cân đối giữa các nhóm chỉ tiêu

222 chỉ tiêu của 20 nhóm chỉ tiêu trong Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã khá đầy đủ, phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cập nhật kịp thời mục tiêu, đường lối, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, số lượng chỉ tiêu của các nhóm chưa có sự cân đối, trong đó có những nhóm chỉ tiêu quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu còn ít, như nhóm chỉ tiêu 3 “Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp”, nhóm chỉ tiêu 14 “Khoa học và công nghệ”, nhóm chỉ tiêu 15 “Giáo dục”. Do đó, cần rà soát thêm để bảo đảm sự cân đối hơn về số lượng giữa các nhóm chỉ tiêu, đồng thời đánh giá được toàn diện, đầy đủ về các lĩnh vực của kinh tế - xã hội. 

Về một số nhóm chỉ tiêu, chỉ tiêu cụ thể, dự thảo Danh mục bổ sung chỉ tiêu “0114. Tỷ lệ đô thị hóa” là cần thiết để phản ánh mức độ phát triển của đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, trong Danh mục có một số chỉ tiêu khác cũng phản ánh kết quả của tốc độ đô thị hóa, như: Dân số, lao động, việc làm, mức sống dân cư... Do đó, cần rà soát để bảo đảm không bị trùng lặp. Một số chỉ tiêu tại nhóm chỉ tiêu “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” có sự trùng lặp nhất định và có thể khó khăn trong công tác thống kê, như: Chỉ tiêu “1314. Tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động” rất khó để phân biệt được với chỉ tiêu “1305. Tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động” vì điện thoại di động không phải là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Đề nghị giải trình rõ mục đích, ý nghĩa và sự phù hợp của một số chỉ tiêu tại nhóm chỉ tiêu này với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ số như: Chỉ tiêu về sở hữu, sử dụng, thuê bao điện thoại, tỷ lệ người sử dụng internet; tỷ lệ hộ gia đình có máy tính...

Bên cạnh đó, đề nghị rà soát các chỉ tiêu tại nhóm chỉ tiêu “14. Khoa học và công nghệ” để bảo đảm các chỉ tiêu trong nhóm này phản ánh toàn diện hơn hiện trạng phát triển khoa học và công nghệ của đất nước, đặc biệt trong việc đáp ứng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Nhóm chỉ tiêu “15. Giáo dục” là một lĩnh vực rộng, quan trọng, liên quan trực tiếp tới trình độ học vấn của người dân. Ngoài 4 chỉ tiêu được nêu trong Danh mục, còn một số chỉ tiêu khác có liên quan, như chỉ tiêu về giáo dục mẫu giáo, giáo dục nghề nghiệp, sau đại học... Cần nghiên cứu bổ sung một số chỉ tiêu khác để đánh giá được toàn diện, đầy đủ về nhóm chỉ tiêu này.

Nguyễn Bình ghi