Bảo đảm sự thống nhất

- Thứ Năm, 12/11/2020, 06:26 - Chia sẻ
Không ngoài dự đoán, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng qua, 11.11, vấn đề khiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn nhiều nhất chính là có nên tách phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ như phương án Chính phủ đang trình Quốc hội hay không. Thậm chí, nhiều đại biểu chỉ nêu quan điểm về việc tách hay không tách và đề nghị trước hết, Quốc hội cần thống nhất về vấn đề này thì mới bàn đến nội dung cụ thể sửa cái gì và sửa như thế nào được.

Tách hay không tách phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án Luật cũng là nội dung gây tranh luận ở rất nhiều diễn đàn xây dựng pháp luật trước đó. Khi hai dự án Luật kể trên được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc thì quan điểm của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất khác nhau. Vì thế, tại kỳ họp này, cùng với hồ sơ 2 dự án Luật, Chính phủ còn gửi đến các đại biểu Quốc hội Báo cáo số 585 ngày 5.11.2020 về việc tiếp thu, giải trình một số nội dung lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Báo cáo này khẳng định, việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá khách quan, thận trọng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.

Dành riêng một mục trong Báo cáo kể trên để giải trình về phạm vi điều chỉnh và các nội dung quy định trong 2 dự án Luật này có bị chồng chéo, trùng lặp hay không, Chính phủ cho biết đã tổ chức các cuộc họp để thảo luận kỹ lưỡng, khách quan, khoa học về hai dự án Luật. Ngày 31.8.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 123 thống nhất dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các nội dung: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường bộ. Còn dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định các nội dung: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ; hệ thống báo hiệu đường bộ.

Chính phủ cũng chỉ rõ, hai dự án Luật này “có mối quan hệ chặt chẽ với nhau”. Trong đó, một bên điều chỉnh những nội dung “động”, một bên điều chỉnh những nội dung “tĩnh” về giao thông đường bộ. Có những quy định ở luật này là cơ sở, là căn cứ để áp dụng và triển khai thực hiện ở luật kia và ngược lại, như việc thiết kế đường sá, tổ chức hạ tầng giao thông phải căn cứ vào quy tắc giao thông và khi hoàn thành việc xây dựng đường sá, tổ chức giao thông, cắm biển báo, lắp đèn tín hiệu giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành theo chỉ dẫn của hệ thống này. Cũng theo Chính phủ thì sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc cho ý kiến, Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát, chỉnh lý nội dung còn có sự giao thoa giữa 2 dự án Luật. “Bảo đảm không còn chồng chéo, trùng lặp”, Báo cáo 585 khẳng định.  

Tuy vậy, nếu đọc kỹ cả hai dự thảo Luật sẽ thấy chưa thể yên tâm với đánh giá nêu trên. Từ góc độ của cơ quan “gác cổng” cho Quốc hội về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đã rất cố gắng trong việc phân tách phạm vi điều chỉnh của 2 dự án Luật nhưng chưa thực sự thuyết phục.

Ví dụ về phương tiện vận tải, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) điều chỉnh ở giác độ an toàn kỹ thuật, tức là đăng kiểm, môi trường... còn dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì điều chỉnh dưới giác độ đăng ký xe, cấp biển số xe... Dù phạm vi điều chỉnh ở mỗi dự án Luật có sự khác nhau chứ “không phải là y hệt nhau” nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, “khi điều chỉnh cụ thể vào từng điều khoản thì chồng chéo, phân định rất khó”.

Chưa kể, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) còn có chương vận tải đường bộ lại điều chỉnh rất tổng thể cả vấn đề hạ tầng giao thông và an toàn giao thông. Tức là nội dung về “an toàn” nhưng lại không điều chỉnh trong dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, chỗ này, ông cũng cố gắng phân định để hiểu mà không hiểu được.

Còn nhiều nội dung có sự giao thoa, nói chính xác hơn là có sự chồng chéo, trùng giẫm giữa hai dự án Luật cũng đã được các đại biểu Quốc hội phân tích trong phiên họp sáng qua. Điều đáng lo hơn là từ sự chồng chéo, trùng lặp trong phạm vi điều chỉnh như vậy sẽ dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, có thể làm mất tính tổng thể trong hệ thống pháp luật về giao thông và tác động đến hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn giao thông.

Vì thế, từ nay cho đến phiên họp toàn thể của Quốc hội về hai dự án Luật này, hai cơ quan chủ trì soạn thảo phải ngồi lại với nhau, rà từng điều, từng khoản, lý giải cặn kẽ từng điểm còn giao thoa, còn chồng chéo và xác định rõ ở những điểm giao thoa như vậy thì từng cơ quan có thẩm quyền, nhiệm vụ đến đâu và chịu trách nhiệm như thế nào, từ đó bảo đảm sự thống nhất, mạch lạc và thông suốt của pháp luật về giao thông đường bộ chứ không thể cứ nói chung chung “bảo đảm không còn chồng chéo, trùng lặp” nữa rồi là xong được.

Hải Lam