Điều tiết hoạt động mua điện theo nguyên tắc đấu thầu công khai, minh bạch
Tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên hiệp hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, các đại biểu đánh giá cao dự thảo luật đã ghi nhận những nguyên tắc quan trọng nhất về quản lý giá điện.
Cụ thể, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh; bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong hoạt động điện lực; giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện và có hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong trường hợp và cho đối tượng cần thiết phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ...
Tuy nhiên, liên quan đến các quy định về giá điện, nguyên Phó ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân dân, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân dân, TS. Nguyễn Minh Phong đề nghị, dự thảo luật cần có quy định bảo đảm quyền quyết định mua bán điện trực tiếp theo hợp đồng tự nguyện không có kết nối hệ thống truyền tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nếu có kết nối thì tính thêm phí vận tải điện của EVN vào giá điện hợp đồng tự nguyện này.
Theo đó, “khung giá điện do Nhà nước quy định không phải là bắt buộc cho tất cả các hoạt động mua bán điện trên thị trường, mà cần bổ sung quy định liên quan đến bảo đảm quyền tự do thoả thuận giá mua, bán điện trực tiếp giữa người mua, người bán điện trên thị trường điện cạnh tranh không cần nằm trong khung giá điện của EVN, kể cả có hay không có hoà mạng điện truyền tải của EVN, nhất là đối với nguồn điện tái tạo”, TS. Nguyễn Minh Phong đề nghị.
Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, dự thảo luật cần bổ sung quy định liên quan đến cơ chế kiểm soát, ngăn chặn và xử lý sự lạm dụng và lợi ích nhóm, xung đột lợi ích do tình trạng còn độc quyền mua và độc quyền phân phối điện của EVN trong hệ thống điện quốc gia. Nên đưa ra các nguyên tắc điều tiết hoạt động mua điện theo nguyên tắc đấu thầu công khai, minh bạch giá mua điện của EVN đối với các nguồn điện khác nhau, bởi trong dự thảo luật mới chỉ quy định giá bán điện, mà không có quy định giá mua điện, trong khi EVN có cả hai tư cách là người mua và người bán điện.
Khoản 9, Điều 5 dự thảo luật có quy định về chính sách giá điện: “Bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông đề nghị, cần xem xét cân nhắc đưa các khái niệm chi phí hợp lý và lợi nhuận hợp lý có phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước hay không?
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển thẳng thắn, trong nền kinh tế thị trường, nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng điện lực nói riêng được huy động là rất lớn, nên chúng ta đã chuyển sang áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá, khái niệm “chi phí hợp lý” liệu có còn phù hợp? Nếu đã đấu thầu, đấu giá, thì việc nhà đầu tư ứng dụng các giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo nên chi phí giảm, để có lợi nhuận cao (chứ không phải lợi nhuận hợp lý) chính là mục đích của họ.
Nhà nước mua dịch vụ hàng hóa công chỉ quan tâm đến giá thành và chất lượng sản phẩm được xác định theo thị trường thông qua đấu thầu cạnh tranh; đối với khái niệm chi phí của nhà đầu tư có hợp lý không còn ý nghĩa. Trong kinh tế thị trường, trong trường hợp nhà đầu tư tư nhân đã được lựa chọn thông qua đấu thầu giá điện thì đơn giá định mức chỉ để nhằm cho mục đích lập dự án đầu tư, xác định tổng mức đầu tư, không sử dụng cho mục đích nghiệm thu chi phí.
Việc cơ quan tài chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra coi chênh lệch giữa đơn giá định mức trong báo cáo khả thi khi phê duyệt dự án với chi phí thực tế của chủ đầu tư, dẫn đến kết luận là “chi phí bất hợp lý” khi thực hiện dự án, coi đó là bằng chứng gian lận, vi phạm pháp luật là không phù hợp trong nền kinh tế thị trường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển nhấn mạnh.
Giá điện có tăng, có giảm, chứ không chỉ tăng một chiều
Lưu ý, dự thảo Luật cần bổ sung yêu cầu và giải pháp bảo đảm về ổn định giá điện, bảo đảm giá điện có tính thị trường minh bạch cao, có tăng, có giảm, chứ không chỉ tăng một chiều và tăng theo đề nghị giải trình của EVN, TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý, cách diễn đạt của dự thảo Luật còn mơ hồ “giá điện được điều chỉnh ít nhất một lần trong thời gian 3 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất”.
Trong khi đó, việc lập và điều chỉnh giá điện được căn cứ chỉ trên báo cáo tài chính, dữ liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán của các đơn vị điện lực là chưa đủ để bảo đảm tính thị trường trong quản lý giá điện, và dễ tạo hệ luỵ xin-cho, nói dối hay lợi ích nhóm trong quản lý giá điện. Đây cũng là gốc rễ kéo dài tình trạng giá điện chỉ lên một chiều, không bao giờ giảm như đã thấy suốt thời gian qua ở nước ta.
Dẫn số liệu của Tổng Cục thống kê, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, tăng giá điện không chỉ làm thiệt hại trực tiếp quyền lợi của người dùng điện, mà còn gây áp lực lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%.
Bởi vậy, cần bổ sung thêm các căn cứ khác hợp lý và chặt chẽ và các quy định đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả tình trạng trên theo hướng tăng cạnh tranh cung cấp điện lành mạnh, công khai giá và quy mô, cơ cấu của các bên và nguồn cung cấp điện; Làm rõ, cụ thể hoá trách nhiệm và các chế tài nghiêm khắc cho các hành vi lạm dụng trục lợi khi lập và thẩm định báo cáo tài chính, dữ liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện của các đơn vị điện lực và của đơn vị kiểm toán.
Đồng thời, cần quy định rõ phạm vi và nguyên tắc xác lập, yêu cầu áp dụng và căn cứ điều chỉnh giá điện 2 thành phần: gồm giá công suất và điện năng. Trong nội dung quản lý giá điện cần có thêm các quy định cụ thể về tăng cường kiểm toán giá và chính sách điện năng; khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại, hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng.