Thể chế quản lý đất đai gắn với thị trường
Xưa nay người Việt Nam thường thuộc nằm lòng câu: công thổ quốc gia; vì thế trong suốt chiều dài lịch sử cho đến trước năm 2013, việc quản lý đất đai của nước ta sử dụng các biện pháp hành chính như một công cụ quản lý chủ yếu. Luật Đất đai 2013 đã đưa nhiều biện pháp, yếu tố của kinh tế thị trường vào trong nội dung của nó. Tuy nhiên vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, “nút thắt”, khiến cho nguồn lực từ đất đai chưa thực sự được giải phóng hoàn toàn khỏi cung cách quản lý hành chính để trở thành nguồn lực to lớn trong xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, tạo một hành lang pháp lý thông thoáng cho công tác quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ quy định về khung giá đất, do đó việc xác định giá đất được thực hiện bằng bảng giá đất hàng năm. Trên cơ sở các phương pháp tính giá đất được quy định trong Luật và trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi) của Chính phủ, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ để xây dựng bảng giá đất hàng năm trình HĐND tỉnh thông qua. Quy định này làm cho bảng giá đất hàng năm sẽ sát hơn với thị trường, bảo đảm giá đất được ban hành phù hợp với biến động của thị trường đất đai từng khu vực.
Đồng thời, quy định giá đất theo từng năm sẽ tạo ra sự linh hoạt trong công tác quản lý đất đai, cho sự điều hành, thậm chí điều hướng thị trường đất đai theo đúng quy luật của thị trường. Việc quy định bảng giá đất hàng năm cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý đất đai, nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, hướng dẫn các cơ quan cấp dưới, các địa phương cấp huyện, xã thực hiện đúng quy định về đất đai mà luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định. Mặt khác, điều này cũng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về đất đai phải kịp thời xây dựng hệ số K sát với thị trường, xin ý kiến tại kỳ họp HĐND cuối năm, để ban hành đồng thời với bảng giá đất hàng năm, tránh sự chậm trễ, bảo đảm sát đúng với thị trường, hạn chế yếu tố đầu cơ, thổi giá...
Hài hòa lợi ích người dân, nhà nước và doanh nghiệp
Tiếp nối quy định của Luật Đất đai 2013, lần này Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục quy định người dân khi bị thu hồi đất được tái định cư thì nơi ở mới phải tốt hơn, hoặc tối thiểu bằng nơi ở cũ. Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ hơn, cụ thể hơn nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Nếu như trước đây, việc thực hiện thu hồi đất có thể tiến hành song song với việc tái định cư cho người dân, thì với quy đinh tại Điều 91, Luật Đất đai (sửa đổi), các trường hợp tái định cư được quy định cụ thể rõ ràng sẽ bảo đảm các điều kiện như: khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Theo quy định của luật, sau khi được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất... Quy định rõ ràng cụ thể, cùng với việc xác định giá đất sát với thị trường sẽ bảo đảm quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất.
Cùng với đó, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ ràng, cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất (32 trường hợp). Việc quy định cụ thể như trong luật sẽ hạn chế tình trạng thu hồi đất tràn lan, khiến nhiều dự án chậm được khởi công, dự án treo khiến cho đất đai không được đưa vào khai thác gây lãng phí nguồn lực trong nhiều năm, như đã từng xảy ra. Cùng với đó, luật quy định rõ ràng phương thức chuyển giao đất đai trong các giao dịch dân sự. Đối với các loại đất đai đưa vào sản xuất kinh doanh, luật quy định rõ ràng trường hợp nào phải thu hồi (trong 32 trường hợp kể trên), ngoài ra phải thỏa thuận để chuyển quyền sử dụng đất. Điều này kỳ vọng sẽ bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi, người dân sẽ đồng thuận nhanh chóng hơn khi bị thu hồi đất.
Bảo đảm quyền lợi cho người dân tộc thiểu số về đất đai
Các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) đối với đồng bào dân tộc thiểu số được cụ thể rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ đất đai cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Việc giải quyết cấp thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những người, những hộ làm nhà trên đất không phù hợp với quy hoạch, (ví dụ: làm nhà trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp) cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết số lượng lớn hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất, có nhà trên đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tại Lào Cai hiện nay, số đồng bào dân tộc thiểu số làm nhà trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp rất lớn. Đây là thực tế, bởi họ là chủ nhân của những mảnh đất, mảnh rừng từ nhiều đời. Khi con cái lớn lên, cha mẹ chia đất ra ở riêng, họ làm nhà trên đất ruộng, đất rừng của họ một cách tự nhiên, nhưng đây chưa được quy hoạch là đất ở, chính quyền thì khó khăn, lúng túng trong việc cấp giấy tờ đất ở cho người dân. Những năm qua, tỉnh Lào Cai có nhiều chính sách đặc thù giải quyết tình trạng này, nhưng vẫn còn những vướng mắc từ Luật Đất đai, do vậy việc giải quyết khá chậm. Kỳ vọng rằng, với Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết căn bản những vướng mắc khi cấp giấy chứng nhận đất thổ cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị; trước hết, cần sửa đổi các văn bản luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong thực thi pháp luật về đất đai. Bên cạnh đó, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tham mưu và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để Luật được thực thi có hiệu lực, hiệu quả ngay từ khi có hiệu lực thi hành.