Bảo đảm quyền lợi người lao động khi rủi ro, ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí
Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội bền vững và bảo đảm quyền lợi của người lao động trong điều kiện gặp rủi ro lao động hoặc ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí... Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH tại một số doanh nghiệp vẫn là vấn đề nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy cho cả người lao động, đơn vị sử dụng lao động và cơ quan quản lý.
Bất cập tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội
Trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó được thể hiện rõ từ khi có Luật Bảo hiểm xã hội, việc tổ chức thực hiện và giải quyết các chính sách an sinh xã hội hiệu quả hơn, số người tham gia và thụ hưởng chính sách xã hội ngày càng tăng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc triển khai đóng BHXH bắt buộc còn có những bất cập, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn đang là vấn đề nhức nhối, nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân.

Tại tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 7.2024, tổng thu BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh đạt 5.742 tỷ đồng, tăng 21,64% so với cùng kỳ năm 2023; đạt 60,09% kế hoạch BHXH Việt Nam tạm giao; song tổng số tiền chậm đóng chiếm 5,24% so với số phải thu BHXH Việt Nam giao.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách BHXH, BHYT cũng chưa đầy đủ. Trường hợp hiểu biết về chính sách lại vì sức ép việc làm nên không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Một số trường hợp khác chưa thực sự quan tâm, không nắm bắt thông tin của việc đóng BHXH, BHYT của bản thân nên không có thông tin về việc chủ sử dụng lao động nợ BHXH…
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Để góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động, qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thời gian qua, BHXH tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động.
Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An Hoàng Văn Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, BHXH tỉnh đã tổ chức thanh tra chuyên ngành đối với 140 đơn vị sử dụng lao động; thanh tra chuyên ngành đột xuất 50 đơn vị; triển khai kiểm tra đối với 22/30 đơn vị sử dụng lao động theo kế hoạch được giao.
Sau khi kiểm tra, BHXH tỉnh đã kiến nghị xử lý truy đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với 93 lao động với tổng số tiền phải truy đóng (chưa bao gồm lãi truy đóng) là: 462,8 triệu đồng; truy đóng do đóng thiếu mức quy định đối với 5 lao động; thu hồi về quỹ BHXH do thanh toán sai chế độ BHXH ngắn hạn đối với 74 lượt lao động với số tiền hơn 137 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 đơn vị sử dụng lao động có hành vi vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền xử phạt yêu cầu nộp ngân sách nhà nước là 106,7 triệu đồng; tổng số tiền buộc khắc phục hậu quả là 390,9 triệu đồng.
Phối hợp, đề nghị các tổ chức tín dụng nơi đơn vị sử dụng lao động mở tài khoản cung cấp số dư khả dụng làm cơ sở ban hành 9 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền buộc cưỡng chế thi hành là 911,4 triệu đồng; số tiền đã cưỡng chế thi hành thành công là: 644,6 triệu đồng (trong đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã nộp về ngân sách Nhà nước là: 197,8 triệu đồng; số tiền buộc khắc phục hậu quả đã nộp về quỹ BHXH, BHYT, BHTN là: 446,8 triệu đồng).
Để góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động ngày càng tốt hơn, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có cảnh báo kịp thời; tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN…
Có thể thấy, việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN sẽ giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó và cống hiến để phát triển doanh nghiệp bền vững. Người lao động cần ý thức được việc tham gia BHXH, BHYT chính là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, bản thân mỗi người lao động cũng cần phát huy vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH của đơn vị, doanh nghiệp.