Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Bảo đảm quyền được làm việc của người dân

- Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:21 - Chia sẻ
Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, có ý kiến lo ngại rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có 1 triệu lao động thất nghiệp với gần 200.000 cử nhân chưa có việc làm thì đề xuất tăng tuổi hưu, liệu có làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp đối với lao động trẻ? Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, muốn đánh giá được ảnh hưởng của việc điều chỉnh tuổi hưu đến cơ hội việc làm của người trẻ thì không chỉ phụ thuộc vào số lượng người thất nghiệp mà còn tùy thuộc vào tổng số lực lượng lao động.

Thị trường tiếp nhận số lượng lao động mới

Theo các chuyên gia, để đánh giá con số khoảng 1 triệu người thất nghiệp nhiều hay ít phải so với tổng số người trong lực lượng lao động, tức là phải xem mẫu số lớn hay nhỏ. So với 55 triệu lao động của Việt Nam thì con số 1 triệu lao động thất nghiệp chỉ chiếm 2,2%. Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, đứng trong Top 5% của các nước và vùng lãnh thổ.

Đánh giá tổng quan về thị trường lao động Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, hiện nay thị trường vẫn đang tiếp nhận số lượng lao động mới, mỗi năm có khoảng 500.000 sinh viên ra trường, gia nhập thị trường lao động mà tới nay mới chỉ 200.000 cử nhân chưa tìm được việc làm thì nghĩa là “dòng chảy” thị trường vẫn chuyển động bình thường. Trong khi đó, 15 năm trước, mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng thêm 1,2 triệu người, tức là số vào tuổi lao động nhiều hơn số ra khỏi tuổi lao động 1,2 triệu người. 5 năm gần đây, mỗi năm chỉ tăng thêm khoảng 400.000 người (năm 2018 so với năm 2017 là 380.000 người), tức là chỉ bằng 1/3 so với 15 năm trước.


Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp thừa nhận và bảo đảm quyền được làm việc của người dân
Nguồn: ITN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi lưu ý rằng, đừng nghĩ rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu là chiếm chỗ của lớp trẻ, vì lộ trình tăng rất chậm. Chỉ 3 tháng mỗi năm đối với nam và 4 tháng mỗi năm đối với nữ, có nghĩa là đến năm 2028 mới có nam giới đầu tiên về hưu ở tuổi 62 và 2035 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu vào tuổi 60. Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số ở nước ta diễn ra rất nhanh nên nếu không điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ngay từ bây giờ thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai gần.

Hơn nữa, theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc nâng tuổi nghỉ hưu ít ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Nếu những người lớn tuổi tiếp tục ở lại làm việc, tiếp tục tạo ra sản phẩm và tích lũy cho nền kinh tế và có cơ hội đầu tư trở lại thì có khi số việc làm tạo ra có thể nhiều hơn. ILO cho rằng, việc làm bị ảnh hưởng nhiều bởi sự phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư vào tăng trưởng chứ không hẳn đã phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu dần dần.

Mặc dù quy định hiện hành tuổi nghỉ hưu là 60 với nam, 55 với nữ nhưng sau độ tuổi này, có tới 70 - 72% nam giới tuổi 60 - 65 và nữ giới tuổi 55 - 60 vẫn còn tiếp tục tham gia lực lượng lao động, và điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp thừa nhận và bảo đảm quyền được làm việc của người dân.

Bảo đảm quyền lợi về BHXH

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, việc mở rộng độ tuổi lao động, tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp quan trọng góp phần bảo đảm cân đối tài chính quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, số năm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhiều lên, quyền lợi cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa cả hai vấn đề là số năm hưởng BHXH ít đi giúp quỹ sẽ tốt lên, hai là mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng được cải thiện. Ngoài ra, các chính sách BHXH sẽ được nghiên cứu sửa đổi theo đúng tinh thần của Đề án cải cách chính sách BHXH.

Theo đó, sẽ có rất nhiều nội dung được sửa đổi hướng tới tăng quyền lợi khi hưởng theo diện bảo lưu thời gian tham gia BHXH, chế độ hưu trí; giảm quyền lợi nếu nhận BHXH một lần, tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ hạch toán vào một khoản riêng, tiền lương đóng BHXH của doanh nghiệp vào một tài khoản chung để tăng sự chia sẻ; thu hẹp khoảng cách về lương hưu giữa những người về hưu với nhau, người có tiền tham gia cao chia sẻ với người có tiền tham gia BHXH thấp.

Mặt khác, việc bảo đảm quyền về BHXH khi tăng tuổi nghỉ hưu còn thể hiện ở chỗ với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), người lao động bị suy giảm khả năng lao động hay làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt có quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi, nghĩa là họ có thể được nhận lương hưu trước 5 năm so với quy định. Trong khi tại nhiều nước, việc hưởng chế độ hưu trí thường phải đáp ứng 2 điều kiện gồm đạt độ tuổi nhất định và số năm tham gia BHXH. Hoặc người lao động có thể nghỉ hưu từ khi 55, 56, 57 tuổi nhưng đến khi 60 tuổi thì mới nhận chế độ hưu trí.

Dương Cầm