Bảo đảm quy định và phù hợp thực tiễn

- Thứ Năm, 04/03/2021, 23:50 - Chia sẻ
Tại cuộc họp của lãnh đạo Thường trực HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam mới đây cho ý kiến về Dự thảo Đề án thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, đa số các ý kiến đều thống nhất cao việc thành lập 4 phòng chuyên môn. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc dự kiến vị trí việc làm ở từng phòng và lộ trình bố trí, sắp xếp các hợp đồng lao động, giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi sáp nhập 2 đơn vị độc lập thành Văn phòng chung.

Bảo đảm đúng các quy định hiện hành

Theo dự thảo do Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Lê Quang Trung trình bày tại cuộc họp, việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh sẽ đi đôi với việc sắp xếp, bố trí lại tổ chức bộ máy, nhân sự bảo đảm tinh gọn, khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiện toàn thống nhất tổ chức Đảng, đoàn thể trong cơ quan; tạo mối quan hệ công tác chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương và Trung ương. Văn phòng chung phải kế thừa, phát triển những kết quả tích cực, mặt ưu điểm, tiến bộ; đồng thời, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm khi là 2 đơn vị độc lập.

Các đại biểu tham gia cuộc họp
Các đại biểu tham gia cuộc họp

Theo dự kiến, với tổng số biên chế công chức sau khi hợp nhất là 31 chỉ tiêu (không vượt quá tổng biên chế được phê duyệt của Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh trước khi hợp nhất) phương án tổ chức bộ máy sẽ là 1 Chánh Văn phòng, 3 Phó Chánh Văn phòng và 4 phòng chuyên môn (gồm Phòng Công tác Quốc hội; Phòng Công tác HĐND; Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị và Phòng Tổng hợp - Thông tin - Dân nguyện).

Bên cạnh đó, do Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là cơ quan tương đương sở nên số lượng biên chế phân bổ các phòng chuyên môn, số lượng Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phải bảo đảm các quy định về bố trí biên chế tối thiểu thành lập phòng tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ, số lượng lãnh đạo phòng được bố trí theo Nghị quyết số 1004/NQ/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, với 31 biên chế công chức, sau khi bố trí 4 chỉ tiêu cho các vị trí Chánh và Phó chánh Văn phòng, 27 chỉ tiêu biên chế còn lại sẽ được phân bổ về 3 phòng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và dự kiến khối lượng công việc phải đảm nhận. Cụ thể, Phòng Công tác ĐBQH, Phòng Tổng hợp - Thông tin - Dân nguyện, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị, mỗi phòng sẽ có 6 biên chế công chức; Phòng Công tác HĐND được bố trí 9 biên chế công chức. Riêng Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị sẽ có thêm các hợp đồng lao động thực hiện các nhiệm vụ thừa hành, phục vụ khác.

Có lộ trình giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi hợp nhất

Cho ý kiến về dự kiến các vị trí việc làm tại các phòng trong Văn phòng chung, đa số các đại biểu thống nhất cho rằng các vị trí việc làm được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”; vừa  bảo đảm cho hoạt động chung, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, khác với mô hình Văn phòng chung theo Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH11 trước đây, lần này Nghị quyết số 1004/2020/NQ-UBTVQH14 đã quy định rõ kinh phí phục vụ Văn phòng chung là kinh phí do ngân sách địa phương bảo đảm, sẽ khắc phục được tình trạng “một cơ quan hai chế độ”. Do đó, trong quá trình hoạt động, tùy tình hình thực tiễn và yêu cầu công việc từng thời điểm, Chánh Văn phòng là người quyết định việc điều hòa công chức ở các phòng bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu thảo luận, cho ý kiến là việc thực hiện các chế độ chính sách ở Văn phòng chung cần phải bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ. Theo đó, cần có phương án chuyển 4 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Văn phòng Đoàn ĐBQH sang hợp đồng lao động theo luật lao động và chuyển xếp lương đúng quy định Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Sau khi hợp nhất, bộ phận phục vụ của Văn phòng chung cũng chiếm tỷ lệ khá lớn nên cần có lộ trình sắp xếp lại để tinh gọn bộ máy.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án, Thường trực HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị lãnh đạo, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công chức, người lao động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh trong việc chấp hành, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, người lao động của hai Văn phòng phải bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy trình, quy định, nhất là trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan. Quan tâm giải quyết các chế độ, chính sách và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, người lao động để khắc phục trình trạng không đồng đều giữa các bộ phận.

Đề án sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 22 sắp đến và Văn phòng chung sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.7.2021.

THÀNH NHÂN