Bảo đảm Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất

Phạm Liên 04/06/2012 12:45

Sáng 4/6, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH thảo luận ở hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH thảo luận tại Tổ về Đề án, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ, trong điều kiện hiện nay, việc QH ban hành Nghị quyết về vấn đề này là hết sức cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện ngay những đổi mới, cải tiến liên quan đến quy trình và cách thức làm việc của QH, các cơ quan của QH, phúc đáp yêu cầu của thực tiễn; đồng thời, nâng tầm giá trị pháp lý của một số nội dung đã được đề cập đến trong Nghị quyết số 271/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH và trong một số văn bản khác. Báo cáo đã nêu rõ ý kiến của các ĐBQH và giải trình, tiếp thu của UBTVQH về các vấn đề lớn liên quan đến hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH như: hoạt động lập pháp; hoạt động giám sát; quyết định các vấn đề quan trọng; tổ chức kỳ họp QH; tiếp xúc cử tri; công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của QH.

Thảo luận về Đề án và Báo cáo giải trình của UBTVQH, đa số các ĐBQH đều cho rằng, đây là hoạt động cần thiết, là việc làm khách quan nhằm bảo đảm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH; bảo đảm cho QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Các ý kiến cơ bản đồng tình với các nội dung lớn liên quan đến của Đề án và cho rằng, Đề án nếu được thông qua sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của QH.  

Về hoạt động lập pháp, ĐBQH Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đồng tình với đề xuất cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp ngay từ đầu với Ban soạn thảo để nắm bắt nội dung, cùng trao đổi, xử lý các vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần phải quy định cụ thể hơn quy chế phối hợp giữa cơ quan thẩm tra với cơ quan soạn thảo, như thế hoạt động lập pháp mới thực hiện được tốt. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra, cần nâng cao chất lượng và cần quy định rõ trách nhiệm của đại biểu chuyên trách. Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, cơ quan thẩm tra phải giành thời gian từ đầu với cơ quan soạn thảo. Nhưng việc phối hợp như thế nào mới là quan trọng nhất, để các cơ quan không mất đi sự độc lập khách quan của mình, để cơ quan thẩm tra không làm triệt tiêu động lực thiết kế của cơ quan soạn thảo.

Ở một góc nhìn khác, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, công tác lập pháp cần làm rõ quy định về phương pháp, cách thức về công tác tham vấn công chúng và điều tra xã hội học. Bên cạnh đó, các cơ quan trình dự án Luật phải dự báo được các đối tượng thụ hưởng chính sách và dự báo ngân sách cần chi. ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, quy trình làm luật phải xem lại. Trong công tác lập pháp, QH còn rất thụ động, đặc biệt là vấn đề xây dựng chương trình xây dựng pháp luật. Vai trò đề xuất và thẩm định dự luật của Hội đồng Dân tộc và các UB của QH chưa được đề cao. ĐBQH không được đối thoại với cơ quan soạn thảo mà chỉ thông qua Báo cáo thẩm tra của UBTVQH, dẫn đến chất lượng của dự án luật có vấn đề.

Nhấn mạnh việc cần huy động được sự đóng góp tối đa của các vị ĐBQH trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, ĐBQH Vũ Hải Hà (Đồng Nai) cho rằng, đây là vấn đề then chốt, vì ĐBQH sẽ là người bấm nút thông qua các dự án luật này. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để các ĐBQH chuyên trách tham gia tối đa vào hoạt động này.
 
Về hoạt động giám sát, ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị nâng cao vai trò của Hội đồng Dân tộc và các UB của QH trong hoạt động chất vấn, thường xuyên tổ chức các hoạt động chất vấn trực tiếp để Hội đồng Dân tộc và các UB đối thoại trực tiếp với các cơ quan, bộ, ngành. ĐBQH Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, trong hoạt động giám sát, cần hướng trọng tâm vào Hội đồng Dân tộc và các UB của QH và và trao cho họ các công cụ chế tài.

Trong giám sát, công tác hậu giám sát và giải quyết hậu giám sát rất quan trọng, là khâu cuối cùng thể hiện hiệu quả của giám sát. ĐBQH Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, hiện nay, công tác hậu giám sát, hậu chất vấn làm chưa tốt, chưa đeo bám, nhiều kiến nghị chưa được giải quyết cụ thể. Vì vậy, Đề án cần quy định rõ hơn cũng như xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong hoạt động hậu giám sát.

Về việc bỏ phiếu tín nhiệm, ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhận định, hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn đã được quy định hơn 10 năm qua nhưng chưa được thực hiện. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân đó là pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể tiêu chí rõ ràng về hoạt động này. Vì vậy, để hoạt động này có hiệu quả, ĐBQH Lê Thị Nga đề nghị cần xây dựng căn cứ và tiêu chí rõ ràng. Về phạm vi, đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu cho rằng, QH chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm với chức danh Bộ trưởng và tương đương trở lên; chức danh Thứ trưởng và tương đương trở xuống do UBTVQH quyết định. Đồng thời, trong hoạt động này, cần có quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn QH với các tổ chức có thẩm quyền của Đảng.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, trong việc bỏ phiếu tín nhiệm, cần làm rõ mối quan hệ của cơ quan quản lý cán bộ trong quá trình lấy phiếu. ĐBQH Vũ Hải Hà (Đồng Nai) đề nghị cần làm rõ hệ quả pháp lý của vấn đề này.  

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH Danh Út (Kiên Giang) đồng tình với chủ trương hằng năm, tổ chức ít nhất 2 lần chất vấn tại Phiên họp UBTVQH, bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động này để hoạt động của QH được minh bạch hơn. ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, thời gian cho một câu trả lời chất vấn cũng cần được tính đến và cần được quy định cụ thể. Chất vấn nên tập trung làm rõ đến nơi đến chốn một số nội dung quan trọng, tránh dàn trải. 
 
Về đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, ĐBQH Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn): thống nhất với các đề xuất đổi mới trong hoạt động tiếp xúc của ĐBQH như tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Đề án cần nói rõ hơn cách thức thực hiện, nhất là tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng. ĐBQH Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, để hoạt động tiếp xúc cử tri có hiệu quả; cần quy định cụ thể quy chế phối hợp giữa MTTQ với QH ở từng cấp, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong hoạt động này. Bên cạnh đó, phải có cơ chế về kinh phí cho các ĐB, nhất là các ĐB kiêm nhiệm, để cho các ĐB này làm tốt được nhiệm vụ của mình. Cũng về vấn đề này, ĐBQH Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) nêu ý kiến, tiếp xúc cử tri sau kỳ họp QH nên lồng với hoạt động tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp của HĐND tỉnh.   

Về công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của QH, nhiều đại biểu cho rằng, đổi mới tư duy là yếu tố quyết định của công tác này. ĐBQH Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị tách Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND để hoạt động của cán bộ giúp việc ĐBQH chuyên nghiệp hơn. ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, nên sắp xếp củng cố lại cơ quan phục vụ ĐBQH từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, sớm ban hành bảng lương của ĐBQH chuyên trách. ĐBQH Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cũng đề nghị chất lượng nâng cao hoạt động của các Văn phòng Đoàn ĐBQH và bố trí người giúp việc cho ĐBQH không chỉ ở trung ương mà cả địa phương.

Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật xuất bản (sửa đổi).

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO