Bảo đảm phát triển và hạnh phúc của trẻ em

Lê Hoa 11/04/2015 16:30

Tại Hội nghị Tham vấn chuyên gia về độ tuổi trẻ em, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em và tư pháp thân thiện với trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNCICEF) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng ngăn chặn và ứng phó với những hành vi lạm dụng và bóc lột là việc làm cần thiết để bảo đảm quyền được sống, phát triển và hạnh phúc của trẻ em. Đồng thời, tạo tiền đề chắc chắn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hệ thống bảo vệ trẻ em là một tập hợp các kiểu kết cấu và dịch vụ phối hợp với nhau nhằm ngăn ngừa và ứng phó với tất cả các hình thức bạo lực, lạm dụng, xao nhãng và bóc lột trẻ em. Trong những năm gần đây, nước ta đã có những bước đi mạnh mẽ trong phát triển đất nước. Điều này đã góp phần cải thiện điều kiện sống và có những tiến bộ to lớn trong việc bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em và cơ hội tiếp cận với chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
 
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh thành lập Ban điều hành bảo vệ trẻ em; 361 quận, huyện có Ban điều hành trẻ em do Phó chủ tịch UBND quận làm Trưởng ban; xây dựng được 65.549 cộng tác viên tham gia tại 4.558 xã, phường trong cả nước; tập huấn cho gần 150.000 lượt cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức tư vấn, trị liệu tâm lý cho hơn 85.000lượt trẻ em; trợ giúp y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội cho gần 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Nhờ có sự hoạt động tích cực và hiệu quả của hệ thống hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em mà tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hằng năm giảm trung bình 0,2%; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tăng từ 70% năm 2011 lên 80% năm 2013; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện, can thiệp đạt tỷ lệ 72%...
 
Tuy nhiên, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, sự phát triển đã kéo theo những biến đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội từ đó đã nảy sinh những nguy cơ mới đối với trẻ em, làm cho trẻ em càng dễ bị tổn thương hơn khi bị lạm dụng, xao nhãng và bóc lột. Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa và những thay đổi nhanh chóng về điều kiện kinh tế đã tác động tới cấu trúc và sự gắn kết của gia đình truyền thống. Các thành viên trong gia đình có ít thời gian chia sẻ và ở bên nhau hơn, những áp lực khác làm gia tăng sự căng thẳng và xung đột trong gia đình. Cùng với đó, phát triển kinh tế không mang lại lợi ích đồng đều cho mọi người đã dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng. Những bất lợi trong xã hội có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ em và làm tăng khả năng dễ bị tổn thương bởi lạm dụng, bóc lột, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực khác.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, các hình thức bạo lực, lạm dụng, xao nhãng và bóc lột trẻ em có thể gây ra những hậu quả sâu sắc và tổn thương cho các em, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập với xã hội. Những trẻ em không được bảo vệ có thể bị tổn thương và gặp bất lợi trong cuộc sống, cũng như khó phát huy được hết tiềm năng của mình. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là của những nước có thu nhập trung bình và thấp, với những tổn thất như có kết quả giáo dục kém hơn, những phương thức sử dụng lao động không ổn định, tốn nhiều chi phí cho sức khỏe thể chất và tinh thần…
 
Có thể thấy, bạo lực, lạm dụng, xao nhãng và bóc lột trẻ em không chỉ ảnh hưởng tới bản thân đứa trẻ mà còn tới toàn xã hội và vì thế nó được xem như là một vấn đề ưu tiên của quốc gia. Bởi đây không còn là những vấn đề riêng tư của gia đình mà là vấn đề chung của toàn xã hội. Để cung cấp có hiệu quả các dịch vụ bảo vệ trẻ em, theo đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, cần có quy định rõ ràng thẩm quyền quản lý và triển khai hệ thống từ cấp trung ương xuống đến cấp cơ sở; các luật, chính sách và quy định để hướng dẫn thực hiện hệ thống; cơ sở hạ tầng đầy đủ để cung cấp dịch vụ ở tất cả các cấp; một đội ngũ cán bộ là công tác bảo vệ trẻ em có chuyên môn và tâm huyết với nhiệm vụ phối hợp và cung cấp các dịch vụ cho trẻ em và gia đình các em; nguồn tài chính đủ để bảo đảm hệ thống hoạt động hiệu quả.
 
Ngăn chặn và ứng phó với những hành vi lạm dụng và bóc lột thông qua việc phát triển hệ thống hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em sẽ góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, phù hợp với mọi trẻ em; đồng thời qua đó truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức thay đổi hành vi bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đây là việc làm cần thiết để bảo đảm quyền được sống, phát triển và hạnh phúc của trẻ em.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm phát triển và hạnh phúc của trẻ em
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO