Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đô thị thông minh

Bảo đảm phát triển khả quan, hài hòa

- Chủ Nhật, 13/10/2019, 09:18 - Chia sẻ
Trong bảng chỉ số đô thị thông minh thứ hai của Roland Berger, mặc dù số thành phố có chiến lược rõ ràng trong phát triển đô thị thông minh đã tăng từ 87 lên 153, nhưng có tới 90% thành phố chưa có chiến lược đô thị thông minh chính thức và tích hợp. Mặc dù xây dựng chiến lược chỉ là bước đi đầu tiên, song thực thi chiến lược có ý nghĩa quyết định đến thành công của đô thị thông minh.

Mỗi thành phố, quốc gia có chiến lược riêng

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, xây dựng một chiến lược quốc gia về xây dựng và phát triển đô thị thông minh là cách giúp các đô thị thông minh phát triển khả quan, hài hòa, hợp tác tốt với nhau ngay từ giai đoạn đầu phát triển, hướng đến những mục tiêu giá trị thống nhất và đem lại hiệu quả cộng hưởng về mọi mặt trong suốt quá trình phát triển đô thị và phát triển quốc gia.

Để có được một thành phố thông minh theo đúng nghĩa, các thành phố phải  bảo đảm có được 5 yếu tố cơ bản và cốt lõi gồm: Hệ thống hạ tầng khung ICT bao gồm hệ thống thông tin và truyền thông hiện đại, hoàn thiện và phủ kín toàn thành phố; hệ thống hạ tầng của các loại hình dịch vụ, các lĩnh vực định áp dụng đảm bảo hiện đại, đồng bộ để tiếp nhận được công nghệ mới (bao gồm hệ thống giám sát, cảm biến, thiết bị đầu cuối như màn hình, điện thoại thông minh cá nhân); k hả năng đón nhận của người dân với khả năng mua thiết bị và sử dụng thiết bị tiêu biểu nhất là hệ thống điện thoại thông minh cá nhân; có ngũ chuyên gia cực giỏi, không chỉ là chuyên gia về công nghệ thông tin mà các nhà kinh tế, xã hội, tâm lý hàng đầu để đối phó hiệu quả với các rủi ro và thách thức về quản lý vận hành đô thị thông minh; có “chính quyền thông minh - lãnh đạo thông minh” nhằm ra quyết sách đúng, lựa chọn đúng lĩnh vực ưu tiên, quyết định mức đầu tư phù hợp và biết cách duy trì thành quả lâu dài, không nhất thời, có khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước, có khả năng kết nối người dân và các tổ chức xã hội.

Mỗi thành phố, quốc gia có chiến lược riêng về phát triển đô thị thông minh, phụ thuộc bối cảnh phát triển. Các nước đã phát triển xây dựng thành phố thông minh trong giai đoạn hậu đô thị hóa. New York, Barcelona, London, Amsterdam, Munich, Tokyo… cần thông minh hơn để đối mặt thách thức dân số già, biến đổi khí hậu, an ninh và duy trì vị thế cạnh tranh. Mỗi thành phố cũng có ưu tiên riêng đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thế mạnh của mình. Một số quốc gia có đủ nguồn lực và điều kiện phát triển thí điểm các thành phố mới có tính biểu tượng như Songdo, Hàn Quốc hay Singapore. Các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực đầu tư quy mô lớn như Trung Quốc, với 500 dự án thử nghiệm tại trên 100 thành phố.

Thành phố thông minh là sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ và quản trị bao gồm cả thể chế. Dưới góc độ xã hội, lợi ích lớn nhất khi phát triển thành phố thông minh là giúp tạo ra sự phối hợp hành động để đối mặt với thách thức ở cấp độ lớn hơn. Đây là kết quả của phương thức quản trị mới khi phát huy ứng dụng công nghệ mới. Mục tiêu của phối hợp hành động là phát huy tốt hơn nguồn vốn con người, nguồn vốn xã hội cùng với sức mạnh công nghệ để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Chính vì vậy, những thành phố được cho là thông minh nhất ở châu Âu được trân trọng bởi thành công trong giải quyết tắc nghẽn và giảm phát thải CO2 thông qua tổ chức đi lại bằng xe đạp công cộng, doanh nghiệp và cộng đồng cùng tiết kiệm năng lượng và nước sạch, cũng như tham gia, đóng góp các sáng kiến nhằm làm cho thành phố an toàn và thân thiện hơn chứ không vì họ dùng công nghệ gì. Các thành phố có nguồn vốn xã hội lớn hơn hay có nền tảng thể chế hoàn thiện hơn thường dẫn đầu trong các bảng xếp hạng vì lý do này.

Cần có chiến lược tích hợp

Dân số ngày càng tăng, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí là những thách thức mà các thành phố lớn nhỏ trên toàn thế giới đang phải đối mặt. Nhưng những vấn đề này có thể được giải quyết với các công nghệ kỹ thuật số được đưa vào trong chiến lược đô thị thông minh, báo cáo của Roland Berger cho biết. Ví dụ, các dịch vụ đi lại điện tử trong thành phố thông minh sẽ được tích hợp vào các hệ thống quản lý giao thông thông minh và được cung cấp bởi lưới điện thông minh. Do đó, các trung tâm đô thị cần phải tích hợp nếu muốn liên kết các hành động cá nhân thành một chiến lược thành phố thông minh thành công.

Vienna, Áo được đánh giá là một trong những đô thị thông minh hàng đầu thế giới, nhờ có chiến lược phát triển đô thị thông minh tích hợp. Các chiến lược dài hạn như Chiến lược khung đô thị thông minh Vienna (Smart City Wien) cung cấp định hướng cần thiết cho sự phát triển trung và dài hạn của thành phố. Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng khiến cần phải xem xét và điều chỉnh những điều này trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đòi hỏi những câu trả lời đầy tham vọng và Vienna không chỉ muốn thiết lập các tiêu chuẩn ngay bây giờ mà cả trong tương lai nữa. Đây là lý do tại sao Chiến lược khung về đô thị thông minh của Vienna được điều chỉnh, sửa đổi. Cụ thể, các khu vực mục tiêu không còn được gán cho một trong ba khía cạnh về chất lượng cuộc sống, tài nguyên và đổi mới. Thay vào đó, mọi khu vực mục tiêu kết hợp cả ba nguyên tắc hướng dẫn: Khát vọng bảo tồn triệt để các nguồn lực, đóng góp cho chất lượng cuộc sống và hòa nhập xã hội, cũng như tập trung vào đổi mới là đòn bẩy then chốt cho sự phát triển bền vững.

Các chủ đề mới như thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu, nền kinh tế tuần hoàn và sử dụng vật liệu dựa trên tiêu dùng được tích hợp trong Chiến lược khung. Các chỉ số và phương pháp tính toán cơ bản các chỉ số này cũng được nêu ra cụ thể. Nguyên tắc quản trị, phương pháp và công cụ (quản lý, điều phối, thực hiện và giám sát) được phản ánh và điều chỉnh khi cần thiết.

Để đạt được tầm nhìn đã đề ra, các mục tiêu cụ thể đã được xác định cho các lĩnh vực chủ đề khác nhau: từ năng lượng, đi lại đến giáo dục và nghiên cứu - sẽ được thực hiện dần dần vào năm 2030 và 2050. Do đó, Smart City Wien là chiến lược tương lai của thành phố Vienna trong các lĩnh vực bền vững và số hóa, và là được đánh giá là chương trình chuyển đổi toàn diện cho thành phố. Mục tiêu chính mà chiến lược đề ra cho năm 2050 là: Có chất lượng cuộc sống tốt nhất cho mọi người dân Vienna, đồng thời, giảm thiểu việc tiêu thụ tài nguyên. Điều này sẽ được hiện thực hóa thông qua đổi mới toàn diện.

Ngọc Khánh