Bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ người dân TP. Hồ Chí Minh

Phương Anh 05/12/2023 08:19

Tại Hội thảo "Nước với đời sống: Cung ứng, sử dụng và đối phó với thách thức" do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, việc bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn, liên tục cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh là vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là trách nhiệm chính của ngành nước, mà còn cần sự chung tay, trách nhiệm của cả cộng đồng.

Thách thức trong cung cấp nước sạch

Theo các chuyên gia, hiện nay, nguồn nước đang là vấn đề được toàn cầu quan tâm. Ở Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm đến việc phát triển, bảo tồn, tái tạo nguồn nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Đề án "Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và đã được thông qua vào ngày 23.6.2022. Điều này cho thấy, tính cấp bách và sự quan tâm của cơ quan chức năng về việc bảo đảm an ninh nguồn nước.

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo đảm nguồn cung nước sạch. Nguồn: ITN
Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực bảo đảm nguồn cung nước sạch. Nguồn: ITN

Đối với TP. Hồ Chí Minh, theo ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc SAWACO, hiện nay, 100% người dân TP. Hồ Chí Minh có thể sử dụng và tiếp cận nước sạch. Trong đó, công suất phát nước mỗi ngày của toàn hệ thống là khoảng 2,4 triệu mét khối/ngày, với mạng lưới đường ống dài gần 12.000km, cung cấp nước sạch cho 13 triệu dân đang sinh sống và làm việc tại thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những thách thức, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở sông Đồng Nai, sông Sài Gòn (nhất là những tháng cao điểm mùa khô). Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, áp lực nước không đồng đều… Hiện tại, 7 nhà máy nước của SAWACO sử dụng nước mặt (chiếm 95% tổng sản lượng), chỉ 1 nhà máy dùng nước ngầm. Trong đó, sông Đồng Nai nằm cạnh TP. Biên Hòa bị ô nhiễm; điểm lấy nước ở sông Sài Gòn nằm ở ngã ba sông Thị Vải cũng ô nhiễm nặng. Chưa kể, nguồn nước thải từ các khu công nghiệp xung quanh cũng tác động đến chất lượng nguồn nước mặt.

Theo bản quy hoạch TP. Hồ Chí Minh trước đây, lượng nước sạch chỉ cung ứng cho 1 triệu dân ở trung tâm thành phố với công suất 45.000m3/ngày, nay phải cung ứng cho 13 triệu dân nên áp lực đối với hoạt động cấp nước rất lớn. Ngoài ra, giá nước sạch cũng là một thách thức, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh cũng như nguồn lực để đầu tư phát triển.

Mặc dù phía SAWACO đã có một số giải pháp tạm thời và lâu dài như tận dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý ô nhiễm, phối hợp với hai hồ điều tiết là Trị An và Dầu Tiếng xả nước vào thời điểm hạn để đẩy mặn, cấp nước cho các khu vực ở xa, nước yếu... nhưng vẫn còn nhiều thách thức mà ngành cấp nước thành phố đang phải đối mặt.

Xây dựng kịch bản ứng phó

Theo PSG.TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, nguồn nước đang là vấn đề được toàn cầu quan tâm. Để bảo đảm an ninh nguồn nước, ngành cấp nước thành phố cần xây dựng những kịch bản và chuẩn bị đối phó với những biến động có thể xảy ra. Bên cạnh đó, quy hoạch không gian, phân bổ dân số hợp lý, kết hợp với xã hội số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình bày tỏ sự quan tâm về vấn đề khai thác nước ngầm và tình trạng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về đường ống nước, áp lực nước khi một số khu vực đường ống đã cũ do đầu tư từ lâu. Theo đó, ngành nước cần chú trọng đến công tác tuyên truyền khi vẫn còn công nhân, hộ nghèo ở nhà trọ, người dân thuộc đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa tiếp cận được chính sách giá nước hỗ trợ.

Từ thực tế vấn đề cấp nước của thành phố, các chuyên gia đã đưa ra các đề xuất về một số giải pháp đổi mới trong quản lý và sử dụng nước sạch, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quy hoạch đô thị và hành vi sử dụng nước của cộng đồng. Cùng với đó là việc thiết kế khu dân cư và chung cư để tối ưu hóa sử dụng nước dưới góc nhìn của đô thị xanh.

Đặc biệt là ý kiến đề xuất về quy hoạch không gian TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040 và bài toán cung ứng nước; thiết kế khu dân cư, chung cư theo hướng tối ưu hóa sử dụng nước dưới nhãn quan đô thị xanh; pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn nước... Tất cả nhằm hướng đến đô thị không chỉ bảo đảm an ninh nguồn nước mà còn hướng đến nâng cao chất lượng nước, thuận tiện trong sử dụng, hợp lý giá cả và cân bằng sinh thái trong việc khai thác, sử dụng bền vững.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo một số kịch bản sẽ xảy ra cũng như hiến kế giải pháp đi kèm để xử lý kịp thời. Thứ nhất là tình trạng khô hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập, do đó với tình huống này cần dẫn nước từ các hồ chứa nước tự nhiên đưa về bổ trợ. Thứ hai là ngập úng sâu và kéo dài trong thành phố do nước lũ, nước sông đổ về kết hợp nước biển dâng cao; giải pháp thực hiện là dẫn nước thải ra các kênh thoát nước tự nhiên ở hướng Đông và hướng Nam, dự trù trạm bơm trung bình và trạm bơm nhỏ mang tính chất thích ứng. Thứ ba, nếu hệ thống cấp nước bị hư hỏng, gặp sự cố cần tăng cường nhiều biện pháp cấp nước tạm thời để duy trì việc cấp nước sạch cho người dân sử dụng...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ người dân TP. Hồ Chí Minh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO