Bảo đảm nguồn máu cho người bệnh Thalassemia

Dương Lê 09/05/2020 08:44

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng máu tiếp nhận tại các điểm hiến máu nhân đạo luôn trong tình trạng khan hiếm. Tâm lý e ngại dịch bệnh cùng với các quy định hạn chế nơi đông người khiến cho việc tiếp nhận máu trở nên khó khăn. Tình trạng khan hiếm máu diễn ra ở hầu hết cơ sở y tế và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng không ngoại lệ. Việc bảo đảm nguồn cung để truyền máu cho người bệnh, trong đó có bệnh nhân tan máu bẩm sinh (Thalassemia) được coi là thánh thức lớn đối với bệnh viện vào thời điểm này.

Thiếu nguồn máu dự trữ

Chị Nguyễn Thị Minh Tân (Ninh Bình) là người bệnh tan máu bẩm sinh đang mang trong mình một mầm sống bé nhỏ. Chị còn nhớ như in những ngày giữa tháng 3 khi mòn mỏi chờ từng túi máu. Căn bệnh tan máu bẩm sinh đã khiến cho tình trạng thiếu máu của chị ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của hai mẹ con. Từ khi mang thai đến nay đã 7 tháng, mỗi tháng chị phải truyền trên 1 lít máu (khoảng 4 - 5 đơn vị máu). Tuy nhiên, từ sau Tết, tháng nào chị cũng đi viện trong nỗi bất an vì nguồn người hiến máu giảm do dịch bệnh. Chị phải cầu cứu người thân từ quê lên hiến máu nhưng không thể đủ.

“Thực sự những ngày tháng đó tôi sẽ không thể quên được, cơ thể mệt mỏi, đau nhức lại kèm thêm cảm giác khó chịu vì thai nghén. Những lúc nguồn máu dự trữ thiếu, chính các cán bộ y tế đã hiến máu của mình để giúp đỡ người bệnh như tôi cũng như kêu gọi nguồn máu từ nhiều nơi khác nhau. Tôi và nhiều bệnh nhân khác không còn phải chịu cảnh chờ đợi từng túi máu nữa, cháu bé trong bụng cũng phát triển tốt và có sức khỏe ổn định, tôi không biết nói gì ngoài hai từ cảm ơn!” - chị Tân kể lại.

Theo Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương TS. Bạch Quốc Khánh, trường hợp của chị Tân cũng như nhiều bệnh nhân Thalassemia khác cần phải truyền máu định kỳ hàng tháng. Nếu không được truyền máu đúng kỳ hạn sẽ dẫn đến tình trạng giảm hồng cầu, thiếu máu và nếu kéo dài có thể nguy hại tới tính mạng. Hơn nữa, với những bệnh nhân mang thai, thiếu máu sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng thai nhi và cũng cần phải cẩn trọng hơn trong quá trình truyền máu bởi cơ thể người mẹ phải cung cấp dưỡng chất cho trẻ, nên rất yếu dẫn đến việc dễ nhiễm trùng và mắc các bệnh lây truyền qua máu.

Theo các bác sĩ tại đây, thời điểm dịch bệnh diễn ra cũng là giai đoạn khó khăn đối với bệnh viện và bệnh nhân mắc căn bệnh này, đặc biệt là trẻ nhỏ. Không chỉ người lớn mới mắc căn bệnh này, nhiều trẻ nhỏ cứ một tháng lại phải truyền máu rồi thải sắt một lần bởi khi truyền nhiều máu sắt sẽ bị dư, nếu không được thải thường xuyên sẽ xâm lấn vào nội tạng. Tất cả các công đoạn ấy với người lớn có thể bình thường nhưng với trẻ em rất đau đớn, dù vậy, nhiều em đã phải làm quen dần với ống truyền, kim tiêm.

Khan hiếm máu tại các cơ sở y tế trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến khó lường Nguồn: ITN
Khan hiếm máu tại các cơ sở y tế trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến khó lường 
Nguồn: ITN

Tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia hiến máu

Theo chia sẻ của TS. Bạch Quốc Khánh, với tình hình dịch bệnh Covid-19, người hiến máu bị giảm sút nghiêm trọng ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp máu phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh và điều trị nói chung và cho bệnh Thalassemia nói riêng. Tuy nhiên, may mắn nhân ngày toàn dân tham gia hiến máu, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư kêu gọi toàn dân tích cực tham gia hiến máu đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang chống dịch Covid-19 nên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng như các đơn vị huyết học truyền máu trong cả nước đã tiếp nhận một số lượng rất lớn người đến tham gia hiến máu tình nguyện. Bên cạnh đó, Viện cũng nỗ lực hết mình, vận dụng nhiều hình thức hiến máu nên cho đến nay, đã bảo đảm cung cấp đủ máu cho các bệnh viện ở các tỉnh và cho bệnh nhân điều trị tại Viện. 100% các bệnh nhân Thalassemia điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã được truyền máu đầy đủ theo nhu cầu điều trị.

“Trong những giai đoạn Việt Huyết học - Truyền máu Trung ương thiếu một số nhóm máu như nhóm A, O chúng tôi cũng đã tích cực làm việc, tuyên truyền và kêu gọi những người có nhóm máu bị thiếu tham gia hiến máu. Ví dụ như trong những tuần lễ vừa qua, Viện cũng đã xảy ra tình trạng mất cân bằng nhóm máu trong kho lưu trữ, cụ thể là nhóm A và nhóm O. Viện đã triển khai nhiều hoạt động bao gồm tuyên truyền vận động trên các phương tiện truyền thông, làm việc trực tiếp với các đơn vị tổ chức hiến máu tình nguyện và kêu gọi những người có nhóm máu A và O tham gia hiến máu tình nguyện. Hiện nay, chúng tôi đã giải quyết được cơ bản tình trạng mất cân bằng nhóm máu nên những người bệnh thuộc hai nhóm này hoàn toàn có thể yên tâm đến các cơ sở y tế để được truyền máu định kỳ. Chính nghị lực của những bệnh nhân tan máu bẩm sinh đã truyền lửa cho đội ngũ cán bộ y tế tại viện luôn nỗ lực hết mình để cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân Thalassemia” - TS. Bạch Quốc Khánh nói thêm.

Theo các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, các cặp vợ chồng nên đi khám tiền hôn nhân và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để có những đứa con khỏe mạnh nhất và tránh được rất nhiều gánh nặng trong tương lai.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm nguồn máu cho người bệnh Thalassemia
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO