Hơn 96% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Theo ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) công tác chuẩn tiếp cận pháp luật có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đặc biệt là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian qua, việc triển khai công tác chỉ đạo, hướng dẫn đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tích cực thực hiện.
Riêng năm 2022 - 2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra, khảo sát về đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật. Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương, năm 2022 có 10.086/10.596 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 95,2%). Năm 2023, có 10.177/10.578 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 96,1%). Kết quả đó cho thấy, các cấp chính quyền đã nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của tiếp cận pháp luật trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật của chính quyền địa phương.
Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2021 đến nay, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 22 đơn vị cấp xã. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện theo quy định.
Theo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Vĩnh Phúc, năm 2021, 132/136 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 126/136 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 92,6%) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 134/136 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 98,5%) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; năm 2022, 2023 có 14 xã đạt chuẩn tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Hay với xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông - một trong những đơn vị được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với điểm số cao - 90 điểm, trong năm 2023, xã đạt chỉ tiêu 16 "tiếp cận pháp luật: trong Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có nhiều nội dung thực hiện tốt như thực hiện công khai thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin; xây dựng, triển khai các mô hình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở hiệu quả; chú trọng PBGDPL đối tượng đặc thù; tỷ lệ hòa giải thành cao; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tiếp công dân giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm tiêu chí về an toàn, an ninh trật tự; bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song, theo đại diện Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, việc triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn gặp khó khăn do khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa của địa phương còn hạn hẹp cả về nhân lực lẫn vật lực.
Với Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, công tác triển khai, đánh giá một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số xã trong triển khai nhiệm vụ chưa đầy đủ; số liệu, thông tin giữa báo cáo và tài liệu đánh giá được lưu trữ chưa thống nhất; một số chỉ tiêu, tiêu chí còn thiếu tài liệu kiểm chứng.
Thực tế, hầu hết các địa phương đều chú trọng và triển khai tiêu chí "Có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải cơ sở"; tuy nhiên, khi kiểm tra, đánh giá lại chưa bảo đảm đúng thành phần hồ sơ theo yêu cầu như công tác khen thưởng đối với mô hình do một số đơn vị không có đề nghị khen thưởng, không có quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền. Hay việc huy động đội ngũ luật gia, thẩm phán, an ninh tham gia vào công tác hòa giải tại cơ sở hầu như không thực hiện được vì không có chính sách, cơ chế hỗ trợ cụ thể. Việc bố trí kinh phí cho hòa giải ở cơ sở cũng hạn chế do Đắk Nông có nguồn thu ngân sách ít.
Còn theo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Vĩnh Phúc, khó khăn hiện nay là việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, nhưng một số đơn vị cấp xã chưa phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, mà vẫn coi đây là nhiệm vụ riêng của công chức Tư pháp - Hộ tịch, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện và đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tại địa phương.
Để công tác này đạt hiệu quả và thực chất hơn, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, Bộ Tư pháp sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương; tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng nghiệp vụ, chất lượng nguồn nhân lực; xã hội hóa, thu hút đội ngũ có kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ; tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện thể chế, bảo đảm công tác này đáp ứng tốt hơn yêu cầu, bối cảnh của thực tiễn.