Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương):

Bảo đảm nguồn lực đầu tư cho các dịch vụ xã hội sau đại dịch

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 17:25 - Chia sẻ
Về tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, dường như đến thời điểm hiện tại chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến những thiệt hại về mặt kinh tế và những tác hại trên lĩnh vực sức khỏe, thể chất. Còn một vấn đề lớn lao và sâu sắc khác là những thiệt hại và tổn thất về sức khỏe, tinh thần.

Những tổn thương về tâm lý, tinh thần mà dịch bệnh gây ra cho con người khó nhận biết hơn, khó tính toán cụ thể nhưng đó là những tác động ngầm gây ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của con người mà hậu quả để lại không kém những tổn thất về kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ thói quen sinh hoạt, làm việc, học tập của người dân và để kiềm chế sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh, chúng ta đã phải thực hiện và giãn cách xã hội cách ly, phong tỏa. Học trực tuyến, làm việc trực tuyến, giãn cách xã hội cách ly là những khoảnh khắc cần thiết, cấp bách, hiệu quả để chống dịch, nhưng điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần của con người.

Sự mệt mỏi, lo lắng, bất an khi chứng kiến dịch bệnh kéo dài có thể tạo tâm lý nặng nề, nếu không được quan tâm đúng mức có thể dẫn đề nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhiều nước trên thế giới có những khảo sát, nghiên cứu công phu, nghiêm túc về tác động tiêu cực của dịch bệnh lên sức khỏe, tinh thần của con người. Nhưng ở Việt Nam thì chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này.

Có thể thấy bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh tác động đến những nhu cầu cơ bản của con người và sự thiếu hụt những nhu cầu này nếu kéo dài sẽ tác động rất sâu sắc đến tâm lý, tình cảm của con người. Vì vậy, song song với việc tìm những giải pháp để phát triển, phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan cần có những giải pháp phù hợp để đại dịch Covid-19 không trở thành cuộc khủng hoảng tâm lý xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, tư duy của nhân dân. Trong đó có những vấn đề cần đặc biệt quan tâm, đó là bảo đảm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội sau đại dịch.

Bên cạnh đó cần tăng cường triển khai các chương trình hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin và kỳ vọng của nhân dân. Cần đặc biệt quan tâm đến những hệ quả đại dịch. Đó không chỉ là những thiệt hại cụ thể về kinh tế mà dịch bệnh cũng có thể để lại ảnh hưởng tiêu cực về lối sống, cách sinh hoạt, tâm lý xã hội của người dân. Vì vậy, cần dữ liệu đầy đủ và toàn diện các tác động của dịch trên mọi lĩnh vực…

Lê Tùng