Bảo đảm ngân sách để thực hiện miễn và hỗ trợ học phí
Cần đánh giá sâu sát hơn, bảo đảm ngân sách nhà nước để thực hiện miễn và hỗ trợ học phí, cân đối ngân sách địa phương đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Chiều 22/5, Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình) đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho biết, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân là cần thiết, kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết và chỉ đạo của Trung ương.
Về chính sách miễn học phí với các đối tượng như đã nêu, đại biểu bày tỏ "rất nhất trí", cần có hỗ trợ cho trẻ em, học sinh ở trường tư để bình đẳng công tư, bình đẳng trong chính sách học tập đối với người học.
Về ngân sách, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sát hơn với thực tiễn, đảm bảo kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn và hỗ trợ cho học sinh; cân đối ngân sách địa phương đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Song song với thực hiện chính sách này, đại biểu cũng đề nghị bảo đảm ngân sách chi cho hoạt động giáo dục để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa và Xã hội và báo cáo tiếp thu của Chính phủ, ĐBQH Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho rằng, tinh thần của dự thảo Nghị quyết mang tính nhân văn, rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, có thể giảm gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có đông con.
Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách, đại biểu Hà Ánh Phượng cho rằng, cần làm rõ các khía cạnh. Theo đó, tại Điều 2 chính sách miễn hỗ trợ học phí, trong dự thảo Nghị quyết có nêu mức hỗ học phí do HĐND cấp tỉnh quyết định. Việc giao như thế này, theo đại biểu sẽ rất linh hoạt, nhưng cần bổ sung thêm nội dung: mức hỗ trợ học phí không được vượt quá mức học phí của giáo dục công lập trên địa bàn và không vượt quá học phí mà trường dân lập đó phải đóng.
Cùng với đó, bổ sung quy định giao Chính phủ có cơ chế kiểm soát học phí tại các trường dân lập, yêu cầu công khai, minh bạch học phí và báo cáo sử dụng kinh phí hỗ trợ.
Theo dự thảo Nghị quyết, học sinh trường công được miễn học phí, nhà nước cấp thẳng cho trường; học sinh trường dân lập sẽ được hỗ trợ học phí. Nhiều ý kiến đang băn khoăn nên cấp trực tiếp cho người học hay cho nhà trường.
Đại biểu Hà Ánh Phượng cho rằng, nên cấp trực tiếp cho gia đình, người học. Điều này sẽ bảo đảm tính minh bạch, đúng người; kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới như Đức chuyển tiền trực tiếp cho tài khoản của phụ huynh, qua đó bảo đảm tính minh bạch, tránh lạm thu ở các trường dân lập.
Ngoài ra, cũng tiết kiệm thời gian và ít thủ tục, trong bối cảnh chuyển đổi số, phụ huynh hoàn toàn có thể thực hiện qua các app. Nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản, hệ thống số hóa đã giúp cho vấn đề chuyển tiền học phí hoặc hoàn tiền có thể tiết kiệm 80% các quá trình tham gia và tiết kiệm được nhân sự.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, sẽ giúp phụ huynh tự chủ, chủ động đóng học phí hoặc mua đồ dùng sách vở. Ở Thụy Điển, phụ huynh cũng có thể sử dụng những chi phí này để chủ động chi tiêu linh hoạt. Cuối cùng là tạo sự cạnh tranh để thúc đẩy chất lượng giáo dục của các trường dân lập.

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho rằng, tại Điều 2 quy định đối với chính sách miễn, hỗ trợ học phí nêu: miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục tại các cơ sở công lập; hỗ trợ kinh phí đối với khối dân lập tư thục, mức hỗ trợ do HĐND tỉnh quyết định.
"Quy định này được hiểu là không đưa ra điều kiện; nhưng trong Luật Giáo dục (2019) ở khoản 3 Điều 99 lại có điều kiện đưa ra: nếu chứng minh được ở địa bàn không có đủ trường công lập thì mới được hưởng. Vậy quy định này có mâu thuẫn hay không?", đại biểu đặt câu hỏi. Qua đó, đề nghị cần cân nhắc vấn đề này, nếu đã có chính sách hỗ trợ thì bỏ đi điều kiện ở các địa bàn chứng minh được là không có đủ trường công lập; nếu không rất mất thời gian và chính sách khó đi vào cuộc sống.
Liên quan đến việc hỗ trợ hệ thống tư thục nên giao cho nhà trường hay cho học sinh. Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho rằng, nên giao cho nhà trường sẽ hạn chế và khoanh vùng phạm vi có bao nhiêu học sinh được thụ hưởng ở trường; trường cũng phải có trách nhiệm cung cấp danh sách cho cơ quan thẩm quyền duyệt chi. Cần giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể thống nhất trong toàn quốc khi thực hiện chính sách này.

ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) băn khoăn về cơ chế không thu học phí và miễn học phí. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 61 Hiến pháp quy định rõ nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục, chăm lo giáo dục mầm non, bảo đảm giáo dục tiểu học bắt buộc nhà nước không thu học phí. Nhà nước từng bước phổ cập giáo dục trung học, phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý. Ở đây rõ ràng có cơ chế không thu học phí.
Vấn đề thứ hai là cơ chế miễn, nhà nước quy định học phí và có chính sách miễn học phí cho các đối tượng; đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp không thu học phí trong cơ sở công lập thì mức độ hỗ trợ như thế nào cho cơ sở ngoài công lập. Phải có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể hướng dẫn để HĐND các tỉnh có căn cứ thực hiện chính sách hiệu quả.