Cần có quy định “đón đầu” sự phát triển của công nghệ số
Công nghiệp công nghệ số là ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ số, cung cấp dịch vụ công nghệ số có giá trị gia tăng cao, có tác động tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do vậy, trong phiên thảo luận sáng 30.11, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, dự án Luật sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số cũng như thúc đẩy phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng này của nước ta. Nhưng, cũng có ý kiến lưu ý, để đạt được sứ mệnh nêu trên, cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý tổng thể dự thảo luật để bảo đảm các quy định thể hiện rõ tính quy phạm, rõ chính sách, tránh chỉ dừng lại ở mức tuyên bố chính sách.
“Điểm đặc biệt của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là ngoài chức năng điều chỉnh hành vi còn có chức năng rất quan trọng nữa là định hình sự phát triển của ngành kinh tế kỹ thuật này”. Do đó, theo ĐBQH Bế Trung Anh (Trà Vinh), cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm có những quy định đón đầu, đi trước sự thay đổi của công nghệ số trên thế giới.
“Để kinh tế số lành mạnh, thì về nguyên tắc các giao dịch kinh tế số phải có các quy định của pháp luật”. Nhấn mạnh yêu cầu này, đại biểu nêu rõ, tại dự thảo Luật dù đã định nghĩa về tài sản số, song chưa có định nghĩa về tiền mã hóa. “Chẳng lẽ chúng ta lại mua bán, giao dịch tài sản mã hóa bằng tiền thật?” - đại biểu nêu câu hỏi và đề nghị, các cơ quan cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung giải thích khái niệm tiền số, đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, tạo khung pháp lý cho quản lý các hoạt động giao dịch, đầu tư loại tài sản mã hóa này ở nước ta.
Trên thực tế, tại dự thảo Luật đã dành Mục số 3 quy định về tài sản số, trong đó đã quy định rõ tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ, như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa cũng được quy định rõ là một loại tài sản số.
Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đưa ra quy định về nguyên tắc quản lý tài sản số và giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, tiêu chí, nguyên tắc quản lý tài sản số, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn.
Nhưng, theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), cần nghiên cứu bổ sung các loại tài sản số như tài sản trí tuệ số, NFT (Non-Fungible Token), tiền mã hóa (cryptocurrency) và tài sản số liên quan đến dữ liệu lớn (big data). Bởi, quy định rõ những loại tài sản số trong dự thảo Luật sẽ giúp minh họa phạm vi áp dụng và tránh gây hiểu nhầm. Đặc biệt, về tài sản mã hóa phải làm rõ hơn sự khác biệt giữa tài sản mã hóa và các tài sản số khác, cũng như, nhấn mạnh rằng tài sản mã hóa có thể bao gồm cả các token tiện ích (utility tokens) và token chứng khoán (security tokens).
Khuyến khích phát triển nhưng vẫn phải bảo đảm đúng định hướng
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Dự thảo Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) nhấn mạnh, hiện nay, việc ứng dụng Al tạo đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng với nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Do vậy, các quy định trong dự thảo Luật về vấn đề này cần bảo đảm nguyên tắc vừa khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trí tuệ nhân tạo, nhưng cũng vừa phải bảo đảm việc phát triển và ứng dụng Al đúng định hướng.
Đối chiếu vào dự thảo Luật, đại biểu đề nghị, cần bổ sung một số quy định để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình theo đúng nguyên tắc đã đặt ra tại Điều 64 về việc quản lý phát triển Al. Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định nhà phát triển và cung cấp hệ thống Al phải cung cấp tài liệu kỹ thuật giải thích cơ chế hoạt động của các thuật toán của hệ thống Al, đặc biệt với hệ thống rủi ro cao. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng một bộ chỉ số minh bạch để đánh giá mức độ rõ ràng của hệ thống, ví dụ như khả năng giải thích đầu ra của hệ thống Al cho người dùng là những người sử dụng không chuyên ngành.
Để thực hiện đúng nguyên tắc nêu trên, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý rủi ro đối với hệ thống Al trên cơ sở tiếp thu, học tập những kinh nghiệm trên thế giới. Bởi, thế giới chia rủi ro của Al làm 4 mức độ, nhưng dự thảo Luật hiện đang quy định 3 mức độ rủi ro.
Thế giới đang chia rủi ro của Al gồm mức độ rủi ro không thể chấp nhận được khi sử dụng Al bị coi là mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh, sinh kế và quyền của con người. Rủi ro cao khi các cơ sở hạ tầng quan trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người dân. Cùng với đó, có rủi ro hạn chế như chat GPT có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh, mã hóa âm thanh và các sản phẩm truyền thông khác; có rủi ro tối thiểu hoặc không có rủi ro như trò chơi điện tử có AI hỗ trợ hoặc bộ lọc thư rác, hỗ trợ đọc, dịch giọng nói văn bản. Nêu thực tế này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quan tâm để hoàn thiện Điều 65 theo đúng với thông lệ chung trên thế giới.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại. Việt Nam muốn trở thành nước XHCN phát triển có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, công nghiệp công nghệ số.
“Nếu Quốc hội thông qua Luật này trong kỳ họp tới, thì Việt Nam sẽ là nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số”. Khẳng định điều này, Bộ trưởng cũng nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã gợi mở ra nhiều hướng tiếp cận mới cho dự án luật, trong đó cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm nội dung công nghiệp công nghệ số xanh, vì đây là lĩnh vực sẽ tiêu dùng nhiều năng lượng nhất và tạo ra rác thải điện tử.
Với những vấn đề mới và đang trong quá trình vận động, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật quy định về những nguyên tắc quản lý chung để có thể theo kịp và kiến tạo phát triển. Sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm linh hoạt. “Trên cơ sở nguyên tắc này, dự thảo Luật đã đưa ra các quy định mang tính nguyên tắc để quản lý các nội dung tài sản số và trí tuệ nhân tạo”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định các chính sách hỗ trợ phát triển, bảo đảm an ninh quốc gia cho ngành công nghiệp chiến lược này. Nhiều chính sách tốt nhất đã được đưa vào luật để hỗ trợ cho công nghệ số - một công nghệ chiến lược của nước ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.