Không bỏ sót đối tượng
Điều chỉnh mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan là một nội dung quan trọng tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật bổ sung một số nhóm đối tượng do Chính phủ quy định chưa được cập nhật vào Luật Bảo hiểm y tế; một số nhóm đối tượng mới trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Bảo hiểm xã hội cần được cập nhật, bảo đảm đồng bộ…
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có cập nhật một số đối tượng đang được Chính phủ quy định nhưng chưa quy định tại Luật Bảo hiểm y tế hiện hành. Cụ thể, chuyển người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ nhóm do bảo hiểm xã hội đóng sang nhóm do ngân sách nhà nước đóng; bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào nhóm tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng; bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản đang được ngân sách hỗ trợ theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn (không áp dụng đối với tổ dân phố, phường ở thành thị).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là phù hợp, tuy nhiên cần rà soát kỹ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót đối tượng, không để ai bị giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế so với hiện tại. Đây là vấn đề ngành bảo hiểm cần tính toán, cân nhắc thật kỹ, đặc biệt lưu ý đối tượng người có công, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại khu vực khó khăn, người cao tuổi.
Nhắc lại những tổn thất nghiêm trọng do cơn bão số 3 vừa qua gây ra, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiều người dân đang rất khó khăn, không có nhà cửa, phải ở lán, ở tạm trong các cơ sở công cộng, vì vậy, chăm lo khám bệnh và điều trị bệnh cho người dân là việc làm thường xuyên, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là quy định nhân văn, song cần xem xét, cân nhắc để bảo đảm tính khả thi, phổ quát, công bằng, khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Đánh giá cao việc dự án Luật bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào nhóm tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý, cần quan tâm đến tổ chức thực hiện ở địa phương và Trung ương. Bởi, ở nhiều địa phương, ranh giới giữa cận nghèo và nghèo rất mong manh, đòi hỏi các ngành y tế, lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp chặt chẽ để đánh giá sớm những hộ trước đây không phải nghèo nhưng bây giờ thành nghèo, cận nghèo thì phải cho những người này được hưởng bảo hiểm y tế.
Phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cũng bổ sung phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế gồm trong khám, chữa bệnh từ xa; vận chuyển người bệnh; một số phạm vi quyền lợi về điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi; chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh...
Tuy nhiên, để đánh giá nguy cơ và giúp ngăn ngừa việc điều trị từ sớm, từ xa, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của Nhân dân, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế, cũng như mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế đối với các hoạt động khám, chuẩn đoán, đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản… “Chúng ta đã mở rộng nhưng cần nghiên cứu thêm để nếu có thể mở rộng thêm các nội dung được thanh toán sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hơn”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán, dự thảo Luật đã bổ sung làm rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh quý IV trong năm. Đồng thời, quy định rõ “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức bảo hiểm y tế có trách nhiệm thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế”.
Tán thành với sửa đổi này tại dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý, công tác giám định bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành gồm rất nhiều nội dung, liên quan đến chuyên môn sâu về y tế và có thể vượt quá chức năng chuyên môn giám định viên của bảo hiểm y tế. Trong khi, theo quy định hiện hành, tổ chức bảo hiểm y tế chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định. Điều này có thể dẫn đến tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm nên chậm trả kết quả giám định y tế, chậm thanh toán bảo hiểm y tế sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh.
Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát, xác định nội dung giám định theo bảo hiểm y tế, phân rõ trách nhiệm cơ quan bảo hiểm y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ chế giải quyết khi ý kiến của hai cơ quan này khác nhau, “làm cho chặt chẽ hơn sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để cập nhật, bổ sung đầy đủ đối tượng tham gia bảo hiểm y tế vào dự thảo Luật, tránh bỏ sót đối tượng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Trong đó, cần quan tâm đến những người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em và đồng bào ở vùng thiên tai, bão lũ bị ảnh hưởng trong thời gian vừa qua.
Cho rằng, chính sách mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là rất nhân văn, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, chính sách này cần được xem xét, cân nhắc để bảo đảm tính khả thi, tính phổ quát, tính công bằng và khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế, khả năng chi trả của người có nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe; đồng thời, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế và người lao động trong lĩnh vực này.