Dự thảo Nghị định về cải cách kiểm tra chuyên ngành

Bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin

- Chủ Nhật, 04/04/2021, 07:45 - Chia sẻ
Ứng dụng tối đa hệ thống công nghệ thông tin; công khai minh bạch, kết nối chia sẻ thông tin; áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra theo mặt hàng để giảm tỷ lệ kiểm tra là những điểm nổi bật tại dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Dự thảo đang được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan lấy ý kiến các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp.

Bám sát nội dung cải cách

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh, dự thảo nghị định đã bám sát 7 nội dung cải cách trong Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (ban hành kèm theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12.1.2021 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là bước tiến trong việc đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về cải cách kiểm tra chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, việc triển khai đầy đủ Đề án và mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho doanh nghiệp, bao gồm tăng cường áp dụng quản lý rủi ro, giảm mức độ kiểm tra và chuyển đổi số nhiều hơn, thông qua việc tích hợp Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống công nghệ thông tin của Hải quan.

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, điểm quan trọng của dự thảo nghị định là nguyên tắc kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro; áp dụng cho mặt hàng kiểm tra được công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cụ thể, các phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, bao gồm, kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm. Hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy hoặc hàng hóa chưa đăng ký bản công bố hợp quy có 3 lần liên tiếp kiểm tra chặt đạt yêu cầu thì được chuyển đổi sang phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa có 3 lần liên tiếp kiểm tra thông thường đạt yêu cầu thì được chuyển đổi sang phương thức kiểm tra giảm. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được thực hiện tự động thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tổ chức, cá nhân tra cứu Cổng thông tin một cửa quốc gia để xác định phương thức kiểm tra và nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo phương thức phù hợp.

Dự thảo nghị định sẽ cắt giảm chứng từ kiểm tra, theo hướng giảm 5 loại giấy tờ so với quy định tại Nghị định số 154/2018/NĐ-CP; tích hợp các chứng từ trong bộ hồ sơ để doanh nghiệp không phải nộp trùng lặp các chứng từ chuyên ngành. Đặc biệt, đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra giảm, doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ nếu lô hàng thuộc diện kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên 5% (còn lại 95% hàng hóa chỉ phải đăng ký kiểm tra). Đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh, mục tiêu của quy trình kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm là đơn giản quy trình, thủ tục kiểm tra. Theo đó, việc kiểm tra sẽ áp dụng theo mặt hàng, tức là quy định về hàng hóa giống hệt để hệ thống quyết định chuyển đổi phương thức kiểm tra theo mặt hàng.

Công khai minh bạch thông tin, kết nối chia sẻ thông tin là nội dung tại dự thảo Nghị định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm  

Nguồn: ITN

Rõ vai trò “đầu mối”

Công khai minh bạch thông tin, kết nối chia sẻ thông tin cũng là mục tiêu hướng tới của dự thảo Nghị định này. Để đáp ứng mục tiêu đó, các Bộ, ngành, cơ quan Hải quan, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải cập nhật lên Cổng thông tin một cửa quốc gia, các thông tin về hàng hóa được miễn kiểm tra; hàng hóa được chuyển đổi phương thức kiểm tra; hàng hóa đăng ký bản công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, tự công bố; kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; danh sách hàng hóa đã áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, đã ký kết điều ước quốc tế, hàng hóa có cảnh báo…

Với những thông tin được công bố công khai, doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể tra cứu tình trạng hàng hóa trên Cổng để đăng ký kiểm tra theo phương thức phù hợp. Một điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định là quy định quyền của người nhập khẩu được lựa chọn cơ quan kiểm tra (đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt, thông thường); được lựa chọn tổ chức chứng nhận/giám định; tra cứu thông tin của hàng hóa trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để đăng ký kiểm tra theo phương thức phù hợp…

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang, cần làm rõ nội dung “cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu” (theo nghĩa như cơ chế một cửa, tiếp nhận, tổ chức thực hiện và trả kết quả) tại dự thảo nghị định. Bởi dự thảo mới chỉ xác định cơ quan hải quan là một đơn vị có chức năng kiểm tra, chưa phải là “đầu mối”. Nếu quy định lựa chọn và thực hiện thủ tục như dự thảo, qua tham khảo của Cục Hải quan Hà Nội, doanh nghiệp sẽ lựa chọn làm trước thông quan, tại cơ quan kiểm tra quản lý ngành, lĩnh vực như hiện tại.

Do đó, Cục Hải quan Hà Nội đề xuất, đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan có quyền và trách nhiệm quyết định phương thức kiểm tra; tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra; tổ chức kiểm tra (trực tiếp tại các đơn vị thuộc cơ quan hải quan) hoặc chuyển hồ sơ đăng ký kiểm tra cho cơ quan, tổ chức do bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao, chỉ định; thông báo kết quả kiểm tra.

Dương Cầm