Qua sắp xếp, tỉnh đã giảm được 59 ĐVHC cấp xã; thành phố Hòa Bình giảm được 6 xã. Đây là nỗ lực rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc làm tinh gọn bộ máy, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân.
Tinh gọn bộ máy hành chính cấp xã
Trước khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, thành phố Hòa Bình cũ có 15 ĐVHC cấp xã (8 phường, 7 xã); huyện Kỳ Sơn có 10 ĐVHC cấp xã (9 xã và 1 thị trấn). Thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17.12.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tỉnh Hòa Bình đã sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số, ĐVHC huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình. Hiện nay, thành phố Hòa Bình mới có diện tích tự nhiên trên 348 km2, dân số trên 135.700 người, có 19 ĐVHC cấp xã trực thuộc, bao gồm: 12 phường và 7 xã. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện có (tính đến thời điểm ngày 15.4.2022) là 726 người, trong đó: Thành phố: 297 người; cấp xã: 429 người.
Bí thư Thành ủy Hòa Bình Ngô Ngọc Đức chia sẻ, quá trình triển khai sắp xếp tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là sự đồng lòng của người dân thành phố Hòa Bình, việc sắp xếp các ĐVHC đã góp phần tinh gọn bộ máy, bảo đảm quy mô quản lý phù hợp; tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương.
Theo kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí của đô thị loại II. Do đang trong quá trình triển khai lập đồ án quy hoạch, thành phố Hòa Bình chưa lập Chương trình phát triển đô thị thành phố Hòa Bình.
Để bảo đảm thực hiện phấn đấu đầy đủ các tiêu chí về phân loại đô thị và phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại II, Ban Chấp hành Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TH.U ngày 20.4.2021 về việc xây dựng thành phố theo các tiêu chí đô thị loại II hoàn thành trước năm 2025, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2459/KH-UBND ngày 16.7.2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TH.U ngày 20.4.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng thành phố Hòa Bình theo các tiêu chí đô thị loại II hoàn thành trước năm 2025.
Đồng thời, đề nghị Trung ương, UBND tỉnh ưu tiên nguồn vốn đối với các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, nước thải, công viên cây xanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển đô thị sau sáp nhập cho địa phương. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư đối với các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, khu dân cư mới, khu du lịch trên địa bàn.
Khắc phục khó khăn sau khi sáp nhập
Mặc dù, việc sắp xếp các ĐVHC đã mang lại hiệu quả thiết thực, song, từ thực tiễn của địa phương, thành phố Hòa Bình vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp các ĐVHC, như: Vấn đề nhà văn hóa của một số xóm, tổ dân phố sau khi sáp nhập có diện tích còn nhỏ hẹp, trang thiết bị còn thiếu hoặc đã xuống cấp và không sử dụng được. Khi thực hiện sáp nhập thì nhà văn hóa không đủ diện tích và chỗ ngồi để phục vụ cho việc họp xóm và sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư.
Ngoài ra, khi thực hiện sáp nhập ĐVHC thì số lượng cán bộ, công chức dôi dư lớn, khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ dôi dư. Đặc biệt, việc sắp xếp các ĐVHC còn tác động đến các chính sách đặc thù, một số các nguồn lực hỗ trợ đầu tư bị cắt giảm, các ĐVHC nếu có sự thay đổi về địa bàn, khu vực sẽ phải rà soát, đánh giá lại các tiêu chí khó khăn, đặc biệt khó khăn nếu không đạt thì sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo có sự thay đổi, do đó chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này cũng có sự thay đổi.
Theo Bí thư Thành ủy Ngô Ngọc Đức, để tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trong giai đoạn tới, thành phố sẽ nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp ĐVHC cấp xã. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các ĐVHC các cấp để bảo đảm sự phát triển của địa phương; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Kịp thời thông báo chủ trương của các cấp về việc sáp nhập ĐVHC để người dân biết, cho ý kiến trước khi xây dựng phương án chính thức. Công khai phương án phân vạch điều chỉnh địa giới hành chính cũng như các bản đồ quy hoạch có liên quan để người dân thảo luận, tham gia ý kiến một cách dân chủ;…
Từ thực tế địa phương, thành phố cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 9, Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 như sau: “... Đô thị loại II ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia thì tiêu chí quy mô dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 70% mức quy định, các tiêu chí khác tối thiểu đạt 80% mức quy định của loại đô thị tương ứng”. Đồng thời, đề xuất sửa đổi tiêu chí 3 - Mật độ dân số: Đối với dân số của đô thị miền núi áp dụng 50% mức quy định tối thiểu; đề xuất giảm tiêu chuẩn đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đối với đô thị miền núi. Cùng với đó, kéo dài thời điểm sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính đến hết năm 2026; tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã ở những đơn vị hành chính thực hiện việc sắp xếp;…