Trong hơn một giờ giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Xuân Thu đã giúp các giảng viên, báo cáo viên, đại biểu HĐND tại 61 điểm cầu nhận diện đầy đủ về nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các cấp có thẩm quyền trong sử dụng nguồn vốn này. Đồng thời, các đại biểu cũng nắm rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan, quy trình giám sát thực hiện NSNN, quán triệt tinh thần tuân thủ, tiết kiệm, hiệu quả trong quản lý NSNN.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thu chỉ ra rằng, để giám sát được việc sử dụng ngân sách, các đại biểu cần nắm bắt được nguyên lý vận hành cũng như nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách. Báo cáo viên, giảng viên cần giúp cho các đại biểu làm tốt việc đọc hiểu các văn bản quy phạm về NSNN. “Các hoạt động thu-chi cần phải tuân thủ các văn bản luật như Luật NSNN 83/2015/QH13, đối với cấp xã cũng có riêng Thông tư 344/2016/TT-BTC Quy định quản lý Ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, khi đi giảng dạy các báo cáo viên cần chỉ rõ cho đại biểu các văn bản này. Việc nắm rõ luật sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình giám sát của họ” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thu lưu ý.
Ngoài các văn bản đã nêu trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Thu cũng lưu ý các đại biểu nên xem xét kỹ các luật đầu tư công cũng như các văn bản pháp luật, kinh phí chi thường xuyên, nguồn thu, nhiệm vụ chi ở địa phương… đây chính là cơ sở để các đại biểu thực hiện giám sát cũng như đưa ra các câu hỏi chất vấn với các cấp có thẩm quyền.
“Tiết kiệm và hiệu quả là hai nguyên tắc quan trọng nhất trong sử dụng NSNN cũng như các nguồn vốn đầu tư công, các đại biểu cần phải bám vào những nguyên tắc này để đưa ra các đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đâu là hoạt động sử dụng hiệu quả, đâu là các khoản chi gây lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Từ đó có những tham mưu kịp thời giúp chính quyền khắc phục ở các hạng mục khác”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thu chia sẻ.
Các văn bản hướng dẫn về thu chi tài chính đã được Bộ Tài chính ban hành hàng năm, khi giảng dạy các báo cáo viện, giảng viên cần giúp đại biểu nắm được các văn bản cụ thể. Trong phân tích báo cáo NSNN, báo cáo viên cần giúp cho các đại biểu xem xét căn cứ xây dựng dự toán, nhìn nhận được sự đầy đủ, chính xác của số liệu cũng như tính khả thi của từng giải pháp. Ở vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thu cũng lưu ý các phương pháp phân tích dành cho báo cáo, các đại biểu cần lựa chọn 3 nguồn thu chi quan trọng nhất sau đó có đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng cũng như mức độ ảnh hưởng, cuối cùng cần phân tích rõ các biện pháp can thiệp mà UBND cùng cấp trình.
Ở cấp huyện, các đại biểu cần quan tâm đến 2 vấn đề là nợ đọng và thất thu trong sử dụng NSNN cũng như các vấn đề miễn, giảm, giãn thuế. Để đánh giá về 2 vấn đề này, các đại biểu cần dựa trên cơ sở thực hiện của năm trước, căn cứ vào dự báo tăng trưởng trên địa bàn để xác định tổng mức thu ngân sách năm sau.
Đi cụ thể hơn về hoạt động giám sát việc sử dụng NSNN tại cấp huyện, xã PGS.TS Nguyễn Xuân Thu cho rằng các báo cáo viên cần giúp các đại biểu biết cần giám sát kỹ tại các điểm nào. Việc giám sát sẽ dựa trên bốn mảng: Quá trình dự toán, phân bổ ngân sách; chấp hành ngân sách: chấp hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức, thực hiện các cơ chế, chính sách, tiết kiệm, hiệu quả và cuối cùng là quyết toán ngân sách.
Kết luận bài giảng, PGS.TS Nguyễn Xuân Thu khẳng định, giám sát NSNN là một chức năng quan trọng của HĐND và là một nhiệm vụ trọng tâm của đại biểu HĐND. Vấn đề này rộng và phức tạp, nên cần xác định ưu tiên trong giám sát. Cùng với đó, đọc, nghe, thảo luận, chất vấn về các báo cáo NSNN là hình thức giám sát hữu hiệu. Để thực hiện tốt các kỹ năng này các địa phương cần tổ chức tốt hệ thống thông tin về hoạt động NSNN để giám sát đạt mục tiêu đúng, trúng và kịp thời.