Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 17:18 - Chia sẻ
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được Bộ Nội vụ xác định là tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong thực hiện.
	Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo - Ảnh: Nhật Linh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo
 Ảnh: Nhật Linh

Hoạt động tôn giáo cơ bản ổn định

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mới đây, 7 tháng năm 2021, hoạt động tôn giáo trên địa bàn cả nước cơ bản diễn ra ổn định, thuần túy tôn giáo và tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, Điều lệ đã được Nhà nước phê duyệt. Tại các địa bàn trọng điểm về tôn giáo không xảy ra vụ việc phức tạp lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Các đại hội, hội nghị của các tổ chức tôn giáo; hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo… được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Chính quyền các cấp đã quan tâm hướng dẫn, giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo, góp phần củng cố mối quan hệ giữa chính quyền và giáo hội ngày càng cởi mở, gắn bó; tiếp tục giữ vững niềm tin của chức sắc, tín đồ đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản gửi UBND, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố và lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo để hướng dẫn triển khai biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở tôn giáo. Lãnh đạo 41 tổ chức tôn giáo đã cam kết và chủ động, tích cực hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế, hướng dẫn của Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương về phòng, chống dịch; đồng thời tích cực vận động chức sắc, tín đồ chung tay với chính quyền trong phòng, chống dịch, và tham gia Quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19 với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Đối với một số hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có liên quan đến tôn giáo, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ có ý kiến với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý nghiêm chức sắc lãnh đạo để xảy ra vi phạm trong phòng, chống dịch tại cơ sở do mình quản lý.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các luật chuyên ngành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Khám, chữa bệnh… Việc thống nhất giữa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với các luật chuyên ngành là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy các tổ chức tôn giáo có thế mạnh, tiềm năng tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội; đồng thời quản lý hoạt động xã hội của các tổ chức tôn giáo…

Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 5 vị chức sắc đã trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV; 88 chức sắc, chức việc trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó Công giáo có 21 người, Phật giáo 60 người, Cao Đài 3 người, Tin lành 2 người, Phật giáo Hòa Hảo 1 người, Phật giáo Từ Ân Hiếu Nghĩa 1 người. Cử tri các tôn giáo đã tham gia cuộc bầu cử với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao…

Bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận những kết quả mà Bộ Nội vụ đã chỉ đạo triển khai thực hiện 7 tháng qua trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và các nhiệm vụ tín ngưỡng, tôn giáo có tính đặc thù. Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm quản lý sinh hoạt tôn giáo tập trung ở một số địa phương trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm về đất đai, xây dựng công trình tôn giáo; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tích cực tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực, kịp thời trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, Bộ đã báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất 10 chủ trương, góp phần ổn định tình hình tôn giáo trên địa bàn cả nước, với một số nội dung như: Tình hình, kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong các tôn giáo; tình hình, kết quả xử lý sai phạm trong phòng, chống dịch liên quan đến nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung Hội thánh truyền giáo Phục hưng tại TP. Hồ Chí Minh…

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. “Hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm bình đẳng; củng cố đoàn kết tôn giáo gắn với đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, có chính sách đặc thù đối với công tác tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Nhật Linh