Bảo đảm cuộc bầu cử dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật

- Thứ Năm, 25/02/2021, 20:30 - Chia sẻ
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các tổ chức phụ trách bầu cử kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia và các cơ quan Trung ương có liên quan để xem xét, giải quyết. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực trong thời gian tới để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật. Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Bộ Nội vụ tổ chức sáng nay, 25.2.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Nội vụ

Sớm có văn bản hướng dẫn để các đơn vị vùng dịch thực hiện

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Nội vụ, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan và hơn 27.500 đại biểu tham dự trực tuyến tại các điểm cầu.

Trước tình hình dịch Covid -19, một trong những vấn đề được nhiều ý kiến tập trung thảo luận tại hội nghị đó là làm thế nào để bảo đảm cuộc bầu cử thành công nếu như dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn? Làm thế nào để bảo đảm quyền của người ứng cử khi sắp đến thời hạn niêm yết danh sách thì phát hiện mình thuộc đối tượng cách ly? Bảo đảm quyền bầu cử của cử tri thế nào khi cử tri đang trong những khu cách ly?

Dù đây chỉ là những tình huống giả định nhưng rất cần thiết để bảo đảm trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử không rơi vào trạng thái bị động, lúng túng. Đó cũng là cách để bảo đảm quyền lợi của người ứng cử cũng như quyền của cử tri trong bầu cử.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị

Từ một điểm nóng của dịch bệnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ, Hải Dương có 2 huyện bị phong tỏa và toàn tỉnh thực hiện giãn cách, cách ly xã hội. Một số xã, thôn phải thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt. Do đó, việc tổ chức các hội nghị cử tri cũng đang gặp khó khăn. “Cần có văn bản hướng dẫn sớm để các đơn vị vùng dịch và đặc biệt như Hải Dương có căn cứ để thực hiện. Hải Dương cũng mong muốn, sớm có quyển hướng dẫn hỏi đáp về bầu cử”, bà Bích đề nghị.

Cùng chung băn khoăn này, đại diện tỉnh Quảng Ninh đặt ra tình huống, sát ngày tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri thì ứng cử viên mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với F0, phải thực hiện cách ly tập trung; hay các thôn, bản, thậm chí xã, phường bị phong tỏa, cách ly. Trong khi không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện hội nghị tiếp xúc trực tuyến được, vậy trong trường hợp này, làm gì để bảo đảm quyền lợi cho người ứng cử trong quá trình tiếp xúc cử tri? Đó là những tình huống có thể phát sinh trong thực tiễn khi dịch vẫn chưa được chấm dứt, do đó cần phải có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm công tác bầu cử được thực hiện thống nhất đối với các địa phương có dịch.

Người được giới thiệu ứng cử đến giai đoạn niêm yết bị F0, F1 không bị ảnh hưởng

Làm rõ những câu hỏi mà các đại biểu đặt ra xung quanh vấn đề bầu cử, ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Ban Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có văn bản số 49 hướng dẫn thực hiện các hội nghị hiệp thương, trong đó có hướng dẫn đối với những nơi đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Vụ V), Ban Tổ chức Trung ương giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các địa phương 

Cũng theo ông Vượng, người được giới thiệu ứng cử đến giai đoạn niêm yết mà bị trường hợp F0, F1 thì cũng không thành vấn đề, tình huống này chỉ liên quan phần vận động bầu cử. Trong khi đó, vận động bầu cử có nhiều hình thức, nếu không vận động trực tiếp thì có thể gửi tài liệu qua các kênh thông tin đại chúng để vận động. Đối với việc tiếp xúc cử tri, Mặt trận Tổ quốc sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, ban hành trong nay mai, ông Vượng khẳng định.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, ông Phan Văn Vượng cho rằng, có thể có các tình huống phát sinh trong quá trình bầu cử. Đó là, việc xác định lập danh sách cử tri đối với người ở nước ngoài về và phải cách ly, những người ở vùng có dịch phải cách ly tập trung. Như vậy, liệu có thể vận dụng quy định về lập danh sách cử tri ở cơ sở cách ly như trong các cơ sở chữa bệnh theo Điều 29, 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được không? Luật quy định người ở nước ngoài về trước 24 giờ thì cầm hộ chiếu đến UBND xã, nơi lập danh sách cử tri, để trình báo và ghi tên vào danh sách cử tri. Tuy nhiên, người cách ly rồi không thể đến UBND xã được, thì quyền bầu cử trong tình huống này sẽ được bảo đảm như thế nào? Các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn theo hướng là các đơn vị phải đến nơi cách ly để công dân thực hiện quyền của mình. Tổ bầu cử cần tổ chức cho cử tri đang nằm trong khu vực cách ly thực hiện quyền bầu cử, phải mang hòm phiếu lưu động (hòm phiếu phụ) đến và phải áp dụng biện pháp phòng dịch, phun khử trùng hòm phiếu… Những việc này đều phải có hướng dẫn để các địa phương thực hiện thống nhất, ông Vượng đề nghị.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cho cuộc bầu cử

Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua lựa chọn bầu những đại biểu tiêu biểu xứng đáng đại diện cho ý chí nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến ngày bầu cử (23.5.2021) chỉ còn gần 3 tháng, nội dung công việc chuẩn bị bầu cử theo tiến độ đặt ra là rất lớn, yêu cầu cao và hết sức khẩn trương, lại đang diễn ra trong bối cảnh Covid-19 diễn ra phức tạp. “Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất và thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân, chúng ta cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử” – Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị

Trong khi đó, để bảo đảm việc chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đạt kết quả tốt nhất, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các cơ quan Trung ương khẩn trương có văn bản trả lời, giải đáp những vướng mắc theo đề xuất của địa phương; hướng dẫn chi tiết những công việc phải thực hiện trong thời gian trước, trong và sau ngày bầu cử.

Các địa phương cần tiếp tục gửi về Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị bầu cử; căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đến cấp huyện và cấp xã, nhất là cho các thành viên tổ bầu cử; tổ chức các hội nghị quán triệt và phổ biến các văn bản chỉ đạo thực hiện; in ấn và cấp phát tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đến các tổ chức phụ trách bầu cử.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cấp xã, các tổ chức phụ trách bầu cử tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt, đúng các mốc thời gian, theo kế hoạch, lịch trình bầu cử theo luật định.

Đến ngày 17.2, cả trung ương và 63 địa phương trên cả nước đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội (để bầu 500 người), đạt tỷ lệ 2,15 lần. Tỷ lệ này ở nhiệm kỳ trước là 2,2 lần. Một số tỉnh lựa chọn số giới thiệu còn thấp hơn quy định là 12 người. Cụ thể, Tây Ninh, Trà Vinh, Điện Biên, Bình Phước giới thiệu 11 người; Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình giới thiệu 10 người; Hà Giang giới thiệu 9 người. Có 18 tỉnh đề nghị xem xét tăng số lượng đại biểu địa phương và giảm số lượng Trung ương gửi về; 5 tỉnh dự kiến có hồ sơ tự ứng cử.

Phó Trưởng ban Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phan Văn Vượng

Hà An