Chính trị

Bảo đảm công bằng về chế độ, chính sách trong tham gia xây dựng pháp luật

Trần Tâm 15/05/2025 18:14

Chiều 15/5, thảo luận ở Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre, Tây Ninh) về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu cho rằng, cần bảo đảm chế độ chính sách công bằng cho những người tham gia công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Có định mức và quy định cụ thể bảo đảm chi ngân sách hiệu quả

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu khẳng định, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

z6604371518065_5f8398f742c1dc1bb7c68d88fb67f407.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 9, chiều 15/5. Ảnh: Trọng Quỳnh

Góp ý cụ thể vào Điều 4 về ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, tại Khoản 1, Điều 4 có quy định: “ Ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển”. Mức quy định 0,5% tổng chi ngân sách là số lượng rất lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, cần có định mức và quy định tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện và chi các mục liên quan đến ngân sách để thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt này, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; tạo sự đồng thuận, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong công tác chi và những Luật trước đây.

z6604371518067_592322574dfb855d89eda5d5dd94abc9.jpg
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu ý kiến tại tổ, chiều 15/5. Ảnh: Trọng Quỳnh

Liên quan đến chế độ chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật tại Điều 7, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết: ở địa phương, các Ban HĐND tỉnh thực hiện chức năng giúp cho HĐND tỉnh thẩm tra các nghị quyết của HĐND tỉnh. Nếu chỉ quy định Ban Pháp chế HĐND tỉnh là đối tượng được hưởng chế độ chính sách là chưa đầy đủ bởi, các Ban khác cũng đảm nhận rất nhiều nội dung. Đại biểu đề xuất cần nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng là các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh để bảo đảm chế độ chính sách đưa ra được công khai, công bằng trong việc tham gia công tác xây dựng, thực thi pháp luật.

Ngoài ra, tại mục d, Điều 7 quy định “Đối tượng không thuộc các điểm a, b và c khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định”. Qua thực tiễn lắng nghe ý kiến có thể thấy, hiện nay, đối tượng chuyên viên trực tiếp giúp việc cho Đoàn ĐBQH và các Ban HĐND tỉnh phải nghiên cứu, tham gia, đóng góp toàn bộ thời gian công việc cho hoạt động thực hiện xây dựng pháp luật. Do vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa các đối tượng này vào danh mục để động viên, quan tâm, tạo sự công bằng cho việc thực thi sau này.

z6604371534390_33bcf1c4d74a7921a9c8b2d796d4ab44.jpg
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu tại tổ, chiều 15/5 Ảnh: Trọng Quỳnh

“Về tỷ lệ phân chia đối với cơ quan xây dựng soạn thảo thẩm định trình sẽ được hưởng tỷ lệ 70% và thẩm tra, thông qua sẽ là 30% là hoàn toàn phù hợp, đại biểu đánh giá mức chi này sẽ động viên, khích lệ rất lớn. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ngày càng phải được nâng cao hơn; đồng thời, các nhiệm vụ liên quan phải có quy định tương ứng để những người có trình độ chuyên môn giỏi sẽ được hưởng cơ chế, chính sách phù hợp”, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề xuất.

Quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng gìn giữ hòa bình

Tham gia vào dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các đại biểu hoàn toàn đồng tình về sự cần thiết phải ban hành luật trong giai đoạn hiện nay. Việc ban hành dự thảo Luật để quy định các vấn đề liên quan đến tuyển chọn, cơ chế chính sách, điều kiện hoàn toàn phù hợp.

z6604427845728_85fdc6fbad1f886147f692c77d26e0d1.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) phát biểu tại tổ, chiều 15/5. Ảnh: N. Hường

Viện dẫn Điều 11 về các hành vi bị nghiêm cấm, một số đại biểu nêu quan điểm, thực tế, hoạt động gìn giữ hòa bình là lĩnh vực phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể phát sinh các hành vi vi phạm tại thời điểm pháp luật chưa lường hết được. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu dự liệu thêm nhiều trường hợp, các hành vi bị nghiêm cấm khác để có thể bao quát, xử lý được các vấn đề thực tiễn xảy ra.

Tại Điều 13 về tuyển chọn lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, dự thảo Luật có quy định tiêu chí lựa chọn sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn đối với lực lượng thuộc quyền, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc theo từng đơn vị, vị trí tuyển chọn, các đại biểu cho rằng, quy định khung như vậy là phù hợp. Bởi lực lượng này đòi hỏi các tiêu chuẩn, điều kiện phải linh hoạt, am hiểu văn hóa, có ngoại ngữ,… nếu quy định các tiêu chí cứng sẽ rất khó trong việc tuyển chọn đối tượng. Do vậy, việc dự thảo quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ xem xét và quy định tiêu chuẩn sẽ rất phù hợp và giải quyết được vấn đề thực tiễn hiện nay.

z6604371534405_001c63371cd46e571523f1fb37be2891.jpg
Đại biểu Võ Văn Hội (Bến Tre) phát biểu tại tổ, chiều 15/5. Ảnh: Trọng Quỳnh

Liên quan đến đối tượng mở rộng không chỉ trong công an, quân đội, một số ý kiến đề xuất, việc lựa chọn đối tượng này có thể do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trên cơ sở tiêu chuẩn chung nhưng theo từng nội dung cụ thể. Trường hợp đặc biệt sẽ có những điều kiện tiêu chuẩn phù hợp với các đối tượng tham gia nội dung này. Ngoài ra, cần có những cơ chế đào tạo bồi dưỡng kịp thời, liên tục; thường xuyên có chương trình phối hợp với quốc tế đào tạo cho đội ngũ này để có hành trang kiến thức để tham gia hoạt động quan hệ ngoại giao giữa các nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm công bằng về chế độ, chính sách trong tham gia xây dựng pháp luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO