Dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Bảo đảm chi cho thực hiện nhiệm vụ đột xuất

- Thứ Ba, 14/05/2019, 07:47 - Chia sẻ
Nhiều chế độ, chính sách đã được đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tạo điều kiện để địa phương chủ động trong việc quyết định chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ đột xuất ở địa phương, tránh tình trạng nhiệm vụ đã thực hiện xong nhưng vẫn phải chờ chế độ.

Vướng chế độ, chính sách

 Luật Dân quân tự vệ hiện hành đã quy định chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ. Theo đó: “Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định”. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, Luật hiện hành chưa có quy định bảo đảm tiền ăn cho dân quân trong thời gian làm nhiệm vụ, dẫn tới mức hỗ trợ tiền ăn không thống nhất, cao thấp khác nhau, đa số thấp hơn so với thực tiễn, thậm chí thấp hơn so với mức tiền ăn của lao động phổ thông trong cùng địa bàn và tiền ăn của quân nhân dự bị khi được huy động làm nhiệm vụ. Điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, thời gian hoạt động và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ. Mặt khác, quy định này cũng nảy sinh cơ chế “xin - cho”, phát sinh tiêu cực.

Để khắc phục tồn tại này, dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) quy định theo hướng từ “hỗ trợ” sang “bảo đảm” chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ. Điều 38 của dự thảo Luật quy định nhiệm vụ chi của địa phương cho các nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ. Theo đó, địa phương bảo đảm chi cho các nhiệm vụ: Đăng ký quản lý, tổ chức, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao, hoạt động của dân quân tự vệ thuộc quyền; xây dựng nguồn và thực hiện quyết định mở rộng lực lượng dân quân tự vệ; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh cho dân quân tự vệ theo kế hoạch của địa phương hoặc những nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền…


Ảnh: Hà An

Từ thực tế tại địa phương, ĐBQH Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) cho biết, việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ vẫn gặp vướng mắc. Trong đó, những nhiệm vụ đột xuất, riêng biệt ở từng địa phương như khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, cứu hộ, cứu nạn, tham gia bảo vệ mục tiêu thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, khi thực hiện nhiệm vụ rất cần huy động lực lượng cấp bách, phối hợp triển khai phải khẩn trương nhưng công tác bảo đảm chế độ, chính sách lại “có mức độ” nên rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội nêu thực tế, năm 2010, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra một vụ lật tàu. Địa phương đã huy động lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, dân quân tự vệ nhiều xã tham gia rất tích cực để khắc phục sự cố. Tuy vậy, chính sách bảo đảm cho lực lượng này gặp khó khăn vì ngân sách địa phương phải dựa vào Trung ương nên cứ ghi nhận rồi… chờ. Ngay cả khi xảy ra sự cố môi trường Formosa, phải điều lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ mục tiêu cả tháng trời nhưng để bảo đảm cho lực lượng này, ngân sách của 6 tỉnh Quân khu 4 chỉ đạt được khoảng 50 - 70%, còn lại chờ Trung ương hỗ trợ, bởi lực lượng này thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Khi chế độ chính sách bảo đảm vẫn phải chờ, khi có nhiệm vụ đột xuất cần huy động dân quân thì anh em cũng có ý kiến, tâm tư. Do đó, dự thảo Luật cần có quy định để khắc phục tình trạng này.

Từ góc độ của cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Những gì thuộc về chế độ chính sách nhanh nhất, tiện nhất, hiệu quả nhất thì nên xây dựng, thiết kế trong luật để tạo điều kiện cho lực lượng dân quân tự vệ. Bởi trên thực tế, chế độ chính sách cho lực lượng vũ trang nói chung, cho dân quân tự vệ thời gian qua vẫn chưa được đồng bộ.

Bảo đảm tính thống nhất

 Để kịp thời động viên dân quân tự vệ, dự thảo Luật cần có quy định để HĐND, UBND, cấp có thẩm quyền có đủ cơ sở pháp lý để chủ động hơn trong việc quyết định, chi trả cho các nhiệm vụ đột xuất cho dân quân tự vệ. Nếu không quy định thì xảy ra tình trạng, “xã này có, xã kia không có, huyện này có, huyện kia không có”, không bảo đảm tính thống nhất. Tránh tình trạng nhiệm vụ đột xuất đã thực hiện xong nhưng cứ “chờ xã tổng hợp, huyện tổng hợp, Trung ương hỗ trợ vào năm sau thì rất chậm”.

ĐB Nguyễn Sỹ Hội (Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An)

Ngoài quy định nhiệm vụ chi của địa phương, dự thảo Luật cũng quy định nhiệm vụ chi của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng dân quân tự vệ. Theo đó, cơ quan, tổ chức sẽ thực hiện nhiệm vụ chi cho việc đăng ký, quản lý, tổ chức xây dựng lực lượng, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao, hoạt động của tự vệ thuộc quyền, thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh cho tự vệ theo kế hoạch của cơ quan, tổ chức hoặc nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền giao. Đồng thời, chi cho mua sắm trang phục cho tự vệ của cơ quan, đơn vị mình…

Quy định như dự thảo Luật được hiểu là cơ quan, tổ chức trong đó có cả doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài phải dành khoản chi nhất định cho lực lượng tự vệ. Quy định như vậy có thể sẽ tạo gánh nặng cho cơ quan, tổ chức. Vì thế, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ, Nhà nước nên bảo đảm kinh phí cho hoạt động của tự vệ nhằm bảo đảm thuận tiện cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Dân quân tự vệ hiện hành và dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) quy định lực lượng tự vệ được hưởng nguyên lương và các khoản phúc lợi do doanh nghiệp bảo đảm khi được huy động thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, Nhà nước đã chịu một phần kinh phí để bảo đảm cho lực lượng tự vệ của doanh nghiệp. Quy định này cũng bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan, trong đó Khoản 2, Điều 29 của Luật Giáo dục quốc phòng quy định: “Kinh phí do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp bảo đảm thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của luật này. Khoản kinh phí này được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, Khoản 3, Điều 53, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Kinh phí cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của doanh nghiệp, tổ chức khác do doanh nghiệp, tổ chức đó tự bảo đảm”. Nếu quy định ngân sách nhà nước bảo đảm chi hoạt động của lực lượng tự vệ sẽ gây khó khăn cho địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được nguồn ngân sách vì việc huy động tự vệ làm nhiệm vụ chủ yếu do địa phương thực hiện.

Chế độ, chính sách là vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ. Chính sách không bảo đảm sẽ khó khăn trong việc huy động lực lượng, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ để quy định của dự thảo Luật vừa bảo đảm quyền lợi của dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng cũng không nên tạo thêm gánh nặng cho cơ quan, tổ chức và cho ngân sách.

Hà An