Bảo đảm chất lượng và thời hạn xét xử
Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) tại tổ, chiều nay, 8/5, các đại biểu thống nhất với đề xuất tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao theo quy định hiện hành từ 13 đến 17 người lên 23 đến 27 người để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm chất lượng và thời hạn xét xử.
Thống nhất tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao lên 23 đến 27 người
Thảo luận tại Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau), ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu rõ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của TAND theo mô hình tổ chức 3 cấp: TAND tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực.

Với mô hình tổ chức 3 cấp, thẩm quyền chức năng, nhiệm vụ của TAND tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực cũng thay đổi, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm, nhưng phúc thẩm phải là TAND tối cao, việc dồn lên TAND tối cao là khá nhiều, trước đây khi có TAND cấp cao - cấp trung gian, đỡ việc cho TAND tối cao.
Khi không còn TAND cấp cao, toàn bộ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm dồn lên TAND tối cao. Do vậy, đòi hỏi TAND tối cao phải cơ cấu lại để phù hợp với tình hình mới.

Từ thực tế trên, đại biểu thống nhất với đề xuất tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao từ 13 đến 17 người (theo quy định Luật hiện hành) lên 23 đến 27 người để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mới tiếp nhận từ TAND cấp cao, bảo đảm chất lượng và thời hạn xét xử.
Đại biểu cũng cho rằng, cùng với việc tăng số lượng người thì cách thức tổ chức của TAND tối cao cũng phải khác, cần tổ chức có các Tòa Phúc thẩm TAND tối cao như đề xuất của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, TAND tối cao cũng cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ kèm theo để xử lý số lượng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều như hiện nay.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng thống nhất với điều kiện để mở rộng nguồn đối tượng xem xét, bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao trong trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định, theo đó nhân sự được đề nghị bổ nhiệm phải đang là Thẩm phán TAND, có đủ 5 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TAND tối cao và số lượng người được đề nghị bổ nhiệm theo quy định này không quá 10% tổng số Thẩm phán TAND tối cao.

Đại biểu thông tin thêm, hiện nhiều Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TAND tối cao rất giỏi, vì chuyên tham mưu cho Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về các vụ việc mà TAND tối cao xét xử. Đây là những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm.
ĐBQH Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi), ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cũng thống nhất với đề xuất tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao từ 13 đến 17 người (theo quy định Luật hiện hành) lên 23 đến 27 người.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng lý giải, tổng số đơn TAND tối cao tiếp nhận, xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm một năm khoảng 11.000 đơn, cho nên phải tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao để xử lý khối lượng đơn rất lớn này.
Xây dựng đội ngũ Thẩm phán TAND tối cao giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ
Từ thực tiễn công tác tại ngành Tòa án, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho biết, sau khi phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của TAND các cấp thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao được giao nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Dự kiến, số lượng vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là khá lớn. Vì vậy, việc tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao từ 13 đến 17 người lên thành 23 đến 27 người để có đủ nhân sự tham gia xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm là cần thiết, bảo đảm xét xử đúng hạn và bảo đảm chất lượng xét xử.

Lưu ý TAND khu vực được thành lập trên cơ sở cơ cấu lại từ các TAND cấp huyện, có quy mô, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, số lượng án phải giải quyết hàng năm lớn hơn nhiều so với TAND cấp huyện hiện nay, đại biểu cho rằng, cần thành lập Tòa Kinh tế thuộc cơ cấu TAND khu vực, vì tranh chấp về kinh doanh, thương mại có tính chất phức tạp, nhiều vụ khó, giá trị tranh chấp lớn, nhiều vụ có yếu tố nước ngoài. Việc xét xử, giải quyết loại việc này đòi hỏi đội ngũ Thẩm phán phải có kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tương tự, việc tranh chấp về sở hữu trí tuệ và giải quyết phá sản là các loại việc khó, phức tạp; người tiến hành tố tụng phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này và lĩnh vực có liên quan, cho nên theo đại biểu, việc thành lập các Tòa chuyên trách gồm Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế về tư pháp.
“Thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, phá sản là việc làm cần thiết để hiện thực hóa cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài của nước ta với cộng đồng quốc tế”, đại biểu nhấn mạnh.
Dự thảo Luật sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 96 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân theo hướng mở rộng nguồn đối tượng để xem xét, lựa chọn bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao đáp ứng yêu cầu tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm xét xử và có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tham mưu cho Chánh án TAND tối cao, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giải quyết án, công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, đồng thời giới hạn số lượng người được đề nghị bổ nhiệm theo quy định này không quá 10% tổng số Thẩm phán TAND tối cao là phù hợp.
Theo đại biểu, quy định nêu trên tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ Thẩm phán TAND tối cao giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới như Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra.