Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện

- Thứ Hai, 13/09/2021, 06:23 - Chia sẻ
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trước đó, tại Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc mở rộng, các đại biểu thẳng thắn nhận định, việc chậm ban hành báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư Chương trình đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Chậm ban hành quyết định đầu tư

Một năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cho thấy, dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, nhưng tiến độ triển khai thực hiện mới đang trong giai đoạn khởi động. Ngày 18.11.2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, song đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn ở trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thành. Một chương trình lớn, được cử tri mong chờ vẫn nằm trong hội nghị bàn thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu vấn đề.

	Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan phát biểu tại Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan phát biểu tại Phiên họp

"Chậm", "rất chậm" là cụm từ được Thường trực Hội đồng Dân tộc sử dụng để đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Chương trình. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, Chính phủ mới hoàn thành 2/6 nhiệm vụ quan trọng được phân công cho Ban Chỉ đạo Chương trình. Đó là tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025; tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025.

Đáng lưu ý, tháng 7.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia này, thì phải tới tháng 7.2021 mới có Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Tới thời điểm báo cáo, quyết định đầu tư Chương trình vẫn chưa được phê duyệt. Cũng vì chưa ban hành được quyết định đầu tư, mà theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan, “Chính phủ cũng chưa ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án thành phần”. Bên cạnh đó, mặc dù trong Phiên họp thường kỳ tháng 3.2021, Chính phủ đã yêu cầu phải hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II.2021, tuy nhiên, hiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chỉ ra thêm 4 văn bản rất quan trọng làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Đó là: Nghị định về cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định về chính sách tín dụng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách trung ương; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc phân bổ vốn trung hạn và hàng năm. Đây đều là những văn bản rất cần được Chính phủ đánh giá mức độ chuẩn bị, tính khả thi và phù hợp. Bởi lẽ, Quốc hội đã đưa ra yêu cầu rất quan trọng về chính sách, quy định quản lý phải phù hợp với vùng, miền, đặc tính văn hóa, phân cấp cho địa phương, thực hiện cơ chế quản lý đơn giản, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc là giải quyết được vấn đề ở vùng khó khăn nhất, vấn đề bức xúc nhất, phát huy nội lực của người dân.

Chính sách chưa đi liền ngân sách

Cho rằng rất cần làm rõ nguyên nhân triển khai chậm trễ, trách nhiệm của từng bộ, ngành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình vì sao chưa thông qua được Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị Bộ Tài chính cho biết vì sao chỉ bố trí 29.000 tỷ đồng vốn chi thường xuyên cho Chương trình? Trong khi, vốn chi thường xuyên đề xuất trước Quốc hội là 50.000 tỷ đồng. Thiếu 21.000 tỷ đồng, thì làm sao triển khai được các nhiệm vụ trong Chương trình. Và dường như chúng ta lại đang lặp lại câu chuyện chính sách không đi liền ngân sách, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nói.

Giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thừa nhận việc chậm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời cho biết, dù báo cáo nghiên cứu khả thi chưa được phê duyệt, nhưng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 100 nghìn tỷ đồng cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó 50 nghìn tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được bố trí cho Chương trình. Ngay trong kế hoạch năm 2021 sẽ bố trí 16.000 tỷ đồng cho 3 Chương trình. Tuy nhiên, vướng ở đây là báo cáo khả thi chưa được phê duyệt và Quyết định tiêu chí, nguyên tắc và định mức phân bổ chưa được ban hành, nên chưa có cơ sở để phân bổ cho các địa phương. Vì vậy, Chính phủ đã họp và mong muốn xin phép kéo dài thời gian phân bổ 16.000 tỷ đồng sang năm 2022 và tiếp tục bố trí vốn thêm trong năm 2022.

Về việc bố trí chi thường xuyên cho Chương trình, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết số 120/2020/QH14 đã phê duyệt Chương trình là hơn 104 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, không chi trực tiếp vốn đầu tư và vốn thường xuyên. Qua nhiều lần làm việc với Ủy ban Dân tộc cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nhận thấy có nhiều nhiệm vụ chi đang bố trí ở chi đầu tư, nên Bộ kiến nghị, tiếp tục bố trí vốn đầu tư. Có nhiều nhiệm vụ chi thường xuyên không phải ở trên địa bàn thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 thì đang cân đối ở ngân sách địa phương.

Trên cơ sở rà soát vốn chi thường xuyên giai đoạn 2016 - 2020, căn cứ mục tiêu chương trình, xác định lại nội dung, nhiệm vụ của chương trình, điều chỉnh lại cơ cấu chi thường xuyên, để bảo đảm đúng tính chất nguồn vốn của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, tiếp tục bố trí trong cân đối ngân sách địa phương có vùng dân tộc nhưng không thuộc đối tượng của Nghị quyết số 120/2020/QH14, căn cứ khả năng ngân sách giai đoạn 2021 - 2025, khoản tăng chi thường xuyên và ngoài lương, thì Bộ Tài chính đề xuất, vốn chi thường xuyên cho Chương trình là 29.000 tỷ đồng.

Tính riêng trong giai đoạn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đã chậm trễ mất một năm, nếu còn chậm trễ thời gian giải ngân vốn thực hiện Chương trình, khó có khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra. Nêu thực tế này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân chỉ rõ, rất nhiều chính sách dân tộc đã dừng thực hiện, tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia này - điều đó có nghĩa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã chịu thiệt thòi trong 2 năm 2020 và 2021 khi chưa được thụ hưởng chính sách.

Lần đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây được coi là quyết sách "lịch sử", góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền. Để thực hiện được các mục tiêu của Chương trình, cần quyết tâm chính trị rất cao, bám sát đúng lộ trình, có sự kết nối thường xuyên, liên tục giữa các bộ, ngành có liên quan trong triển khai thực hiện Chương trình. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm đề nghị, Chính phủ cần khẩn trương ban hành quyết định đầu tư, tập trung chỉ đạo, hoàn thiện sớm các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ theo nghị quyết của Quốc hội.

Anh Thảo