Bảo đảm chất lượng dự án luật từ gốc, chất lượng không tốt là Bộ chuẩn bị chưa tốt -0

Bảo đảm chất lượng dự án luật từ gốc, chất lượng không tốt là Bộ chuẩn bị chưa tốt
*****

Lời Tòa soạn: Sáng nay, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 đã khai mạc, thảo luận 12 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. 
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vướng mắc mới trình Quốc hội thông qua
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý,

Thực hiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án luật. Trong đó có 11 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua là: dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Phòng không nhân dân. Hội nghị cũng cho ý kiến về 1 dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám là dự án Luật Điện lực (sửa đổi), nếu được chuẩn bị tốt, Quốc hội thảo luận đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình tại một kỳ họp.

Các dự án luật thảo luận tại Hội nghị lần này điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những dự án luật rất quan trọng đối với hệ thống chính trị và đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp như dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương như dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, được người dân rất quan tâm như Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… Tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm với hơn 200 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường, gần 900 lượt ý kiến phát biểu tại tổ về những vấn đề lớn, căn bản và nhiều điều khoản cụ thể. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vướng mắc mới trình Quốc hội thông qua
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
 Thưa các vị đại biểu,

Ngay sau Kỳ họp thứ Bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến này, bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất từ đầu khi xây dựng và đưa các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu các các cơ quan phải lưu ý kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các vấn đề địa phương, người dân, doanh nghiệp gặp vướng mắc, cần tháo gỡ… để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định.

Trên cơ sở đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật và phiên thường kỳ tháng 8.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, kết luận về việc tiếp thu, chỉnh lý đối với từng dự án luật và chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ trình hội nghị hôm nay, trong đó, lưu ý nhiều vấn đề mới, nhiều quy định còn ý kiến khác nhau cần được các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để có cơ sở thống nhất hướng chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới đây.

Chúng ta còn 3 Kỳ họp nữa là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV: Kỳ họp thứ Tám, Kỳ họp thứ Chín, Kỳ họp thứ Mười và một kỳ họp đầu năm 2026 để tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 để thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiệm kỳ năm 2021 – 2026. Đến nay, chúng ta đã thực hiện đạt 83,97%, chưa kể những dự án luật mới phát sinh được Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung thông qua. Có thể nói, khối lượng công việc trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV rất lớn. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức nỗ lực, cố gắng để làm sao thực hiện đạt được Kết luận của Bộ Chính trị, cũng như Kế hoạch của Đảng đoàn về việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị.

Thưa các đồng chí,

Công tác xây dựng pháp luật thời gian vừa qua có nhiều tiến bộ, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều mặt hạn chế cần phải rút kinh nghiệm. Tại sao luật ban hành thực hiện không bao lâu là phải điều chỉnh, phải sửa? Luật chưa ban hành đã muốn điều chỉnh, sửa? Các địa phương triển khai thực hiện luật chưa đồng bộ, chưa đến nơi, đến chốn. Năm 2024, Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Với nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật, tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Diễn đàn xây dựng pháp luật để các đại biểu Quốc hội tham gia, các đồng chí từng công tác tại Quốc hội, có nhiều kinh nghiệm, các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia làm luật. Nhiều vấn đề tới đây phải bàn, đúc kết kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xem cái gì hay, cái gì tốt, cái gì triển khai có hiệu quả thì chúng ta thực hiện.

Thưa các vị đại biểu,

Để việc thảo luận đạt hiệu quả cao, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu tham dự Hội nghị lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, tập trung phân tích, thảo luận, thể hiện rõ quan điểm đối với những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, xin ý kiến, những nội dung còn có các phương án khác nhau; cho ý kiến rõ các dự án đã đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới hay chưa.

Tôi đề nghị bám sát nguyên tắc đã thống nhất từ đầu nhiệm kỳ, đó là: ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng. Chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua; những vấn đề thực tiễn đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì quyết tâm thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Thứ hai, rà soát kỹ lưỡng các dự thảo luật xem đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng hay chưa. Các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật hay chưa. Cần lưu ý việc đánh giá tác động đối với những đề xuất quy định mới.

Thứ ba, cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Các chính sách đảm bảo không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn việc “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực. Vì vậy, các vị đại biểu Quốc hội khi phát biểu cần thể hiện rõ quan điểm, khách quan, không né tránh đối với các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.

Thứ tư, qua tổng kết Kỳ họp thứ Bảy cho thấy, việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đã có bước chuyển biến tích cực nhờ cách thức thực hiện mới. Phát huy cách làm hiệu quả đó, ngay sau kết thúc Hội nghị này, tôi đề nghị các cơ quan phối hợp tổ chức tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu và gửi các vị đại biểu Quốc hội ngay khi chỉnh lý, hoàn thiện xong (không chờ đến khi đủ hết các loại tài liệu mới gửi, tài liệu nào có trước thì gửi trước), từng bước khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi tài liệu, phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu phải gửi cho đại biểu Quốc hội trước 20 ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội; ngày 20.10 khai mạc Quốc hội thì đúng ngày 1.10 tài liệu phải được các bộ, ngành phải gửi đến Quốc hội, để Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, đồng thời đảm bảo đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu trình tại Kỳ họp sớm nhất, có đủ thời gian để nghiên cứu, quyết định, nhất là đối với những dự án luật, nghị quyết trình thông qua.

Năm nay, Trung ương sẽ họp vào giữa tháng 9, do đó, các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các vấn đề có liên quan sẽ được Trung ương thảo luận, sau đó Chính phủ sẽ hoàn thiện sớm để gửi Quốc hội thẩm tra các Báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Tại Kỳ họp thứ Tám, khối lượng công việc rất lớn, dự kiến xem xét thông qua 12 dự án luật, thảo luận mới 12 dự án luật và nhiều nghị quyết. Do đó, đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo ngay các cơ quan soạn thảo, các Bộ trưởng trực tiếp xây dựng luật của ngành mình, chứ không thể ủy nhiệm cho Vụ trưởng, Thứ trưởng mà Bộ trưởng không tham gia xây dựng luật. Nếu từ bộ, cơ quan soạn thảo làm tốt thì trình lên Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ sẽ bảo đảm chất lượng, khi gửi sang Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ đủ cơ sở, điều kiện để thẩm tra. Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội rất cực, có những luật phải ngồi 7 - 8 lần với cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ để chỉnh sửa. Vậy tại sao không khắc phục từ gốc để cho đỡ cực mà luật lại có chất lượng? Như vậy, cơ quan soạn thảo phải vào cuộc một cách quyết liệt trên tinh thần trách nhiệm cao, nếu chất lượng dự án luật không tốt là Bộ chuẩn bị chưa tốt.

Thứ năm, Hội nghị dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ hôm nay đến hết ngày 29.8; đề nghị các vị đại biểu tích cực nghiên cứu; chuẩn bị ý kiến súc tích, tránh trùng lặp, phân tích, lập luận thuyết phục và đề xuất phương án cụ thể về những vấn đề xin ý kiến hoặc được quy định trong dự thảo luật. Trong quá trình thảo luận, khi cần thiết, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Tôi tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan và trách nhiệm cao của các vị đại biểu, Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng để hoàn thiện 12 dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. 

Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Xin trân trọng cảm ơn!

________

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Santo Domingo
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Santo Domingo

Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Dominicana, sáng 21.11, theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam dự lễ khánh thành tôn tạo và đặt vòng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Santo Dominigo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Nhà nước Campuchia trao tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều nay, 21.11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, thay mặt Nhà nước Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.