Nhịp cầu

Bảo đảm chất lượng các sản phẩm OCOP

- Thứ Sáu, 16/10/2020, 07:08 - Chia sẻ

Trước khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, các sản phẩm trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đều ở quy mô nhỏ, chưa có bộ nhận diện thương hiệu, một số sản phẩm chưa có bao bì, tem nhãn; việc tổ chức sản xuất mang tính chất hộ gia đình và theo kinh nghiệm, chưa có quy trình thống nhất trong quá trình sản xuất. Nhờ tích cực thực hiện Chương trình OCOP, các cơ sở đều có sự đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất; năng suất, chất lượng sản phẩm có sự cải thiện khá rõ rệt, một số cơ sở đã tích cực xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với tổng nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP là 1.277.296.000 đồng, đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã có 21 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (5 sản phẩm năm 2019, 16 sản phẩm năm 2020). Trong đó, có 17 sản phẩm nông sản tươi sống và nông sản chế biến; 2 sản phẩm đồ uống có cồn, đồ uống không cồn; 2 sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng trên thực tế, nhận thức về Chương trình OCOP của một số cán bộ cấp huyện, xã còn hạn chế; một số cơ sở tham gia Chương trình OCOP vẫn còn thiếu chủ động, đang trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; hoạt động của các HTX, THT chưa bảo đảm; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất vẫn còn hạn chế…

Từ thực trạng trên, tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh về kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn, UBND huyện kiến nghị tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, tăng cường tập huấn chuyên sâu về Chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ các cấp; đồng thời, tiếp tục quan tâm, sớm tổ chức các lớp tập huấn về khoa học công nghệ, quản trị kinh doanh cho các cơ sở. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về việc thực hiện Chương trình; soát xét và có định hướng chung toàn tỉnh về phát triển các sản phẩm theo nhóm sản phẩm có tầm thương hiệu chung của tỉnh, huyện.

Cùng với những kiến nghị thiết thực của địa phương, thực tế cũng đặt ra yêu cầu huyện Cẩm Xuyên tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền dưới dạng hội nghị chuyên đề, hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN để phát triển các sản phẩm. Cùng với quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng như thu nhập cho các hộ dân tham gia chương trình, ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh để bảo đảm chất lượng các sản phẩm OCOP.

Thành Lê