Bảo đảm chặt chẽ, phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, chiều 24.5, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Tham gia thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Hữu Đàn (Quảng Trị) cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau 6 năm đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề, do đó việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) là rất cần thiết.
Góp ý cụ thể, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn đề xuất, tại Khoản 6 Điều 4 về nguyên tắc quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc cho phép” vào sau cụm từ “có thẩm quyền cấp giấy phép” để bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động trong quân đội hiện nay.
Về trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở Khoản 3 Điều 6, đề nghị chỉnh lý cụm từ quy định tại Khoản 1 Điều 8 thành quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8. Bổ sung như trên để bảo đảm điều chỉnh đầy đủ các đối tượng được giao quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo đúng quy định Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 sẽ phù hợp hơn.
Tại Khoản 5 Điều 63 Chương VI về việc đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ, dự thảo Luật quy định tổ chức, đơn vị được phép thực hiện đào bới, tìm kiếm vật liệu nổ bao gồm các đơn vị chuyên ngành, kỹ thuật về vũ khí, công binh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức khác được Thủ tướng cho phép; hiện quy định như thế này chưa rõ ràng, tổ chức khác ở đây nên nói rõ để thực hiện cụ thể hơn, đại biểu đề nghị.

Theo ĐBQH Võ Văn Hội (Bến Tre), Điều 53 quy định 15 nhóm đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ, nhưng còn thiếu và cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại; bổ sung trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ dân phòng.
Ngay tại Khoản 4 của Điều 64 về thẩm quyền tiếp nhận thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định cơ quan quân sự được cơ quan công an cấp huyện và đơn vị quân đội cấp trung đoàn trở lên thì có nhiệm vụ này nhưng thực hiện rất khó; nhất là đối với công an và quân sự cấp huyện. Bởi, mỗi năm phải tiêu huỷ 2-3 tấn và phải vận chuyển từ tỉnh lên trường bắn quân khu rất xa và đòi hỏi đây là lực lượng chuyên ngành mới tiêu hủy được; nhưng cơ quan quân sự cấp huyện, công an không có công binh nên đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại vấn đề này. Ngoài ra, nên bổ sung một điều khoản về quy định xử lý vi phạm.

Cơ bản đồng tình với các ý kiến, ĐBQH Lê Quang Đạo (Phú Yên) góp ý thêm, về giải thích từ ngữ tại Khoản 7 Điều 3, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung cụm từ “thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành” vào sau cụm từ “vật liệu nổ quân dụng và vật liệu nổ sử dụng trong mục đích quốc phòng an ninh”; sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, phân biệt vật liệu nổ công nghiệp và vật liệu nổ quân dụng, vật liệu nổ mới; đồng thời xác định thẩm quyền của Bộ trưởng.
Khoản 12 Điều 5 quy định cấm “quảng cáo trái phép vũ khí vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ”. Tuy nhiên, tại Khoản 7 Điều 7 Luật Quảng cáo đã quy định cấm quảng cáo “súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa, có tính chất kích động, bạo lực”. Vì vậy, không cần thiết quy định về vấn đề quảng cáo tại dự thảo Luật, đề nghị cân nhắc bỏ quy định này.

Tại điểm a Khoản 1 Điều 10 đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung cụm từ “vật liệu nổ quân dụng” vào sau cụm từ “sử dụng vũ khí” để bảo đảm thống nhất nội hàm quy định tại Khoản 1 điều này.
Khoản 2 Điều 51 quy định trong hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ phải có “báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh công cụ hỗ trợ trong thời gian hiệu lực giấy phép đã cấp”. Việc yêu cầu phải có báo cáo này là chưa phù hợp và chưa rõ ràng, mặt khác, báo cáo này sẽ không thể hiện và chứng minh doanh nghiệp đáp ứng điều kiện kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định này trong dự thảo Luật.

Đối với các nội dung khác, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh về giải thích từ ngữ, nghiên cứu quy định cụ thể hơn về vũ khí có tính năng có tác dụng tương tự và quy định về hành vi nghiêm cấm; cũng như quy định về hoạt động triển lãm trưng bày nghệ thuật, về trao tặng vũ khí viện trợ công cụ hỗ trợ; về nghiên cứu chế tạo vũ khí vật liệu nổ phải bảo đảm chặt chẽ, phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là trong các Luật có liên quan.