Tính đúng đắn, phù hợp của chính sách BHYT
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.1.2009 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hoá quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân.
Tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm thi hành Luật Bảo hiểm y tế, cả nước có 93,3 triệu người - tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT. Thực tiễn đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu KCB của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập cần điều chỉnh như: Đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; đa dạng hóa các gói BHYT và quy định liên kết với BHYT thương mại.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, do một số quy định cần sửa đổi ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2025, nên trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để khắc phục các bất cập mang tính cấp bách. “Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định; bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân…” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, những năm qua, nhiều văn bản của Đảng đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể liên quan đến lĩnh vực BHYT. Cùng với đó, một số Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều có các nội dung định hướng hoàn thiện pháp luật về BHYT... Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân về BHYT.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong quá trình xây dựng, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát và thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi, bổ sung tối đa những vướng mắc, bất cập phát sinh; qua đó đạt được sự đồng thuận cao; đồng thời pháp điển hóa một số nội dung đã được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan.
Bám sát vào 4 chính sách lớn
Việc sửa đổi lần này sẽ bám sát 4 chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua, đáp ứng được yêu cầu đồng bộ với các luật có liên quan; bảo đảm yêu cầu phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người dân.
Về thẻ BHYT điện tử, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu ý kiến Bộ Tư pháp xác định lộ trình để thực hiện. Về xử lý vi phạm đối với hành vi "chậm đóng" BHYT, cần rà soát sửa đổi, bổ sung đồng bộ với Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật Bảo hiểm xã hội.
Chính phủ yêu cầu bỏ điều khoản liên quan đến giao Chính phủ quy định trường hợp chưa thống nhất trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu nghiêm túc các vấn đề cốt lõi dẫn đến vướng mắc trên thực tế đối với đối tượng thụ hưởng BHYT, chế độ chính sách với người quản lý BHYT, mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi được hưởng BHYT, nội dung, trách nhiệm giám định BHYT và một số vấn đề lớn khác các Phó Thủ tướng đã nêu (ngân sách nhà nước hỗ trợ cơ sở khám, chữa bệnh do nợ BHXH lớn trong khả năng của ngân sách các cấp; giao Bộ Y tế ban hành quy trình khám chữa bệnh BHYT và vật tư, thuốc...).
Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này.
Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo hoàn thiện dự án Luật này.