Giúp người dân tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý
Thời gian qua, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tích cực chủ động phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách tư pháp, hành chính (Bộ Công an) tham mưu cho lãnh đạo liên ngành trong đề xuất xây dựng và tổ chức triển khai các hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý.
![Trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự giúp tăng khả năng tiếp cận pháp luật của người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự. Ảnh: Hồng Như Trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự giúp tăng khả năng tiếp cận pháp luật của người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự. Ảnh: Hồng Như](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/b8f71e54115d265a023fea513029c31bed2ac260fe02bc5e9ed04a2226a1cde05559f45541908a4039b01b27af2469c3/tttgpl-bac-lieu.jpg)
Đặc biệt, ngày 27.11.2023, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ký kết Chương trình 5789/CTPH-BTP-BCA về phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự (Chương trình phối hợp số 5789). Đây là sự kiện đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ, đặc biệt, trong công tác trợ giúp pháp lý. Việc ký kết và triển khai Chương trình phối hợp này đã giúp tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự.
Theo các chuyên gia, việc ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; mà còn giúp người dân tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý để hiện thực hóa quyền được trợ giúp pháp lý của mình đã được pháp luật quy định; góp phần bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý.
Cụ thể, khi phát hiện người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự... dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác thuộc diện trợ giúp pháp lý trong vụ án hình sự; đại diện công an sẽ gọi điện thông báo cho người trực, người hỗ trợ trực thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý 24/24 giờ nhằm bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý kịp thời.
Sự tham gia sớm của trợ giúp viên pháp lý trong quá trình điều tra các vụ án hình sự giúp người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố yên tâm hơn, hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình, góp phần hỗ trợ các điều tra viên điều tra vụ án được khách quan, nhanh chóng và nâng cao chất lượng điều tra viên cũng như các mặt công tác điều tra.
Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP. Hà Nội chia sẻ thêm, trong 5 năm trở lại đây, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng tại TP. Hà Nội tăng cao, năm sau tăng vài chục % so với năm trước liền kề. Tổng số vụ việc tham gia tố tụng kết thúc từ 2020 - 2024 do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP. Hà Nội thực hiện là 8.779 vụ.
Đặc biệt, cuối năm 2023, Chương trình phối hợp số 5789 về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự được ký kết, Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu để Bộ Tư pháp có hướng dẫn và chỉ đạo sát sao trong tổ chức thực hiện. Chương trình phối hợp này đã huy động lực lượng công an các cấp vào công tác trợ giúp pháp lý để giải thích, giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; trong đó có Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP. Hà Nội.
Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả
Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ về trợ giúp pháp lý tại Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 27.12.2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; trong đó, thực hiện hiệu quả việc trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự 24/24 giờ.
Theo Cục Pháp chế và cải cách tư pháp, hành chính (Bộ Công an), trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, triển khai công việc nói chung và nội dung trực trợ giúp pháp lý 24/24 giờ nói riêng, cũng như mọi năm, các cơ quan điều tra đều bố trí cán bộ trực xuyên Tết.
Qua đó, bảo đảm kịp thời, hiệu quả nội dung phối hợp giữa người có thẩm quyền ở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, công an cấp xã, các cơ sở giam giữ với người trực trợ giúp pháp lý; giúp những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP. Hà Nội cho biết, hưởng ứng nội dung trên, cũng như các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP. Hà Nội đã chú trọng triển khai nội dung trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự 24/24 giờ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội, chăm lo, bảo đảm quyền con người cho người dân trong chuỗi an sinh xã hội dịp Tết đến, Xuân về.
Từng trợ giúp viên pháp lý, viên chức trong Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP. Hà Nội đều luôn sẵn sàng phục vụ, không kể trong hay ngoài giờ hành chính để bảo đảm an ninh, an toàn về mặt pháp lý cho người dân yếu thế trên địa bàn. Theo đó, việc trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự 24/24 giờ trong dịp Tết được thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Bộ Tư pháp và hướng dẫn của Cục Trợ giúp pháp lý bảo đảm cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời.
Được biết, tại Hà Nội, chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự giữa Sở Tư pháp với Công an thành phố đã được ký kết và trong năm 2024 đã triển khai hiệu quả những nội dung này. Kết quả, trong năm 2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP. Hà Nội đã tiếp nhận 2.691 lượt thông tin, tương đương 2.691 vụ việc trợ giúp pháp lý từ cơ quan điều tra.
Hàng trăm vụ việc, không kể ngày lễ, ngày nghỉ, thậm chí ngay trong đêm hay 2 - 3 giờ sáng, ngay khi có thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra, người trực trợ giúp pháp lý cũng kịp thời có mặt để nắm bắt thông tin về đối tượng và vụ việc.