Bảo đảm an toàn và hiệu quả điều trị
Đại dịch Covid-19 là một thách thức đối với thực hiện dịch vụ chăm sóc thận tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, Trung ương; nơi tập trung các người bệnh nặng, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, suy thận. Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19” nhằm cập nhật các hướng dẫn chuyên môn mới cho các bác sĩ trong khám, chữa bệnh.
Thêm hướng dẫn chuyên môn
Theo thống kê hiện nay, trên thế giới có khoảng 6 triệu người có các bệnh lý thận mạn trong đó 80.000 đã người tiến triển giai đoạn cuối. Trên thực tế, bệnh thận mạn đang gia tăng trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Nhu cầu điều trị lọc máu tăng cao, có nguy cơ vượt quá khả năng đáp ứng của các trung tâm/khoa, đơn vị thận nhân tạo trong các bệnh viện. Thêm vào đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bằng chứng khoa học cho thấy người mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi tác động của dịch bệnh. Người bệnh lọc máu được xếp vào nhóm có nguy cơ cao với bệnh truyền nhiễm, bởi đây là những người bệnh dễ bị tổn thương có nhiều bệnh mắc kèm và kèm rối loạn chức năng miễn dịch liên quan đến suy thận.

Trước những khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn đối với nhóm bệnh nhân bị tác động nhiều hơn của dịch Covid-19 là người bệnh thận giai đoạn cuối, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19”. Tài liệu này được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, tài liệu chuyên môn mới do Bộ Y tế ban hành với mục tiêu bảo đảm an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh lọc máu trong đại dịch Covid-19. Đồng thời, hướng dẫn các nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống Covid-19 và điều trị, quản lý người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tại các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm Covid-19, giảm áp lực lên hệ thống y tế cũng như an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà và toàn xã hội.
Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, nhóm bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối có rất nhiều bệnh nền, nếu nhiễm Covid-19 thì nguy cơ tiến triển nặng và tử vong rất cao. Thêm nữa, đây là nhóm bệnh nhân có khả năng miễn dịch kém, bệnh nhân phải đến bệnh viện nhiều lần trong tháng và tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Để tổ chức điều trị cho bệnh nhân thận nhân tạo rất khó khăn. Đây là một hướng dẫn tập hợp rất nhiều hướng dẫn trên thế giới và những kinh nghiệm của các lần chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Theo đó, hướng dẫn có 3 vấn đề chính, thứ nhất là khuyến nghị cho bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối, đặc biệt là những bệnh nhân lọc máu (gồm chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng). Thứ hai, là công tác tổ chức khám, điều trị của nhân viên y tế đối với nhóm bệnh nhân này. Thứ ba, là làm sao quản lý tốt nhất nhóm bệnh nhân lọc máu, đặc biệt là nhóm bệnh nhân thận nhân tạo. Nội dung chính của hướng dẫn này là vấn đề cách ly: Làm sao cách ly tốt nhất, hướng dẫn bệnh nhân tự cách ly, các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn, các biện pháp phòng chống lây lan và hướng dẫn cho nhân viên y tế các biện pháp để phòng tránh lây nhiễm chéo.
Chủ động từ phía người bệnh và cơ sở y tế
Theo ý kiến của các chuyên gia, để giảm thiểu nguy cơ suy thận, những người có nguy cơ cao không thể chủ quan mà cần tìm nguyên nhân để điều trị triệt để. Để làm được điều này, trước hết người bệnh phải hiểu được cách thức lây truyền của dịch Covid-19, hiểu rõ tại sao nhóm bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối phải đặc biệt chú ý, hạn chế tiếp xúc, phòng tránh lây nhiễm. Bệnh nhân phải tuân thủ cách ly ở nhà, khi đến đơn vị lọc máu phải chuẩn bị gì và trong những ngày bệnh nhân không đi lọc máu có diễn biến gì đặc biệt, cần liên hệ với cơ sở y tế và bác sĩ điều trị để xử lý kịp thời, tránh tối đa đi lại đơn vị lọc máu khi không có hướng dẫn cụ thể.
Nếu đến lịch khám định kỳ nhưng bị trì hoãn do dịch, nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế và phải bảo đảm duy trì phác đồ điều trị hiện tại cho tới lần khám tiếp theo. Các phương tiện thông tin liên lạc có thể được sử dụng trong tư vấn từ xa bao gồm điện thoại, Viber, Zalo, Facebook... để tham vấn cán bộ y tế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Liên quan tới việc ưu tiên lọc màng bụng tại nhà để người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối được điều trị, duy trì cuộc sống và an toàn hơn trong việc đối phó với đại dịch Covid-19, Phó chủ tịch Hội Thận học, TP. Hồ Chí Minh BSCKII Tạ Phương Dung cho biết, thực hiện lọc màng bụng tại nhà cho người bệnh có nhiều lợi ích so với phương pháp chạy thận nhân tạo tại đơn vị lọc máu như người bệnh được điều trị tại nhà, giảm tần suất đến bệnh viện khám; giảm nguy cơ lây nhiễm; chủ động thời gian điều trị; giảm tải bệnh viện, giảm nguy cơ cho nhân viên y tế và cộng đồng và người bệnh tự thực hiện được lọc màng bụng.
Tuy nhiên, các bác sĩ cần tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh của bệnh nhân như phù hợp với hoàn cảnh địa phương, hoàn cảnh kinh tế và tình trạng bệnh tật để làm sao bệnh nhân có cuộc sống tốt nhất với chính phương pháp mình lựa chọn và phương pháp bác sĩ đã tư vấn.
Điều lưu ý khi tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng này, cũng giống như các vaccine khác, bệnh nhân thận nhân tạo là đối tượng có đáp ứng miễn dịch kém hơn người bình thường nên liều tiêm có thể phải thay đổi tăng lên và khoảng cách cũng phải gần hơn. Khi tiêm vaccine cũng phải theo chỉ định của bác sĩ điều trị về thời điểm tiêm, liều lượng, khoảng cách thời gian; theo dõi sức khỏe chặt chẽ trước, trong và sau khi tiêm, kịp thời báo cho bác sĩ những diễn biến khác thường để có thể xử trí kịp thời các biến chứng.