Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp tết và mùa lễ hội

Hoàng Yến 09/01/2021 07:31

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch số 1993/KH-BCĐTƯATTP về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021, với nhiều giải pháp cụ thể như tập trung vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức; thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, nhằm phát hiện, kịp thời xử lý vi phạm.

Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng
Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng

Hạn chế tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm

Với nỗ lực bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua, Cục ATTP, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành trong việc triển khai công tác ATTP. Theo đó, trong năm 2020, đã kiểm tra, xử phạt gần 406.300 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm và đã tiến hành xử lý hơn 10.000 cơ sở. Trong đó, phạt tiền 9.260 cơ sở với hơn 45 tỷ đồng tiền phạt.

“Cục ATTP đã đình chỉ lưu hành 600 loại thực phẩm của 788 cơ sở và gần 2.000 cơ sở có sản phẩm bị tiêu hủy, với gần 6.000 loại. Đồng thời, xử phạt 68 cơ sở và đã chuyển lên cơ quan điều tra 9 sự việc có dấu hiệu hình sự” - Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP Trần Văn Châu cho hay.

Song, theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang tới gần với thời gian nghỉ tết kéo dài, sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Thời gian này, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt và miền Nam nắng nóng gay gắt. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng ATTP.

Theo đó, ngày 24.12, Cục ATTP đã có công văn chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện việc bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ Hội xuân 2021.

Nhằm bảo đảm tiến độ triển khai kế hoạch, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP; phòng, chống dịch bệnh cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong Tết Nguyên đán Tân Sửu, mùa Lễ hội Xuân 2021.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm ATTP trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cũng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm; không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng; tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành

	Cục ATTP kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở có hành vi vi phạm
Cục ATTP kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở có hành vi vi phạm

Về tiến trình thực hiện, Đại diện Cục ATTP cho biết, kế hoạch được triển khai từ 1.1.2021 đến hết 20.3.2021. Cụ thể, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm bao gồm Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trà Vinh, Hậu Giang. Ngoài ra, tại các địa phương cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành.

Trưởng phòng Thông tin, giáo dục, truyền thông, Cục ATTP Trần Thị Thu Liễu nhấn mạnh, đối tượng kiểm tra tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội, như các sản phẩm từ thịt, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… và các cơ sở dịch vụ ăn uống. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm.

Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát ATTP đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung trên địa bàn quản lý. Sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Đối với những cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP, Cục ATTP yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm. Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp tết và mùa lễ hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO