Long An

Bảo đảm an toàn giao thông nông thôn

- Thứ Năm, 29/04/2021, 06:53 - Chia sẻ
Giao thông nông thôn ngày càng được nâng cấp, mở rộng đã đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn do hạ tầng, phương tiện và ý thức của người tham gia giao thông. Để khắc phục, thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh Long An cũng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Nhiều năm trở lại đây, hệ thống đường giao thông nông thôn ở Long An ngày càng phát triển; phần lớn các xã trên địa bàn tỉnh, giao thông nông thôn đã phủ về tận các ấp, tổ dân cư giúp hàng hóa, nông sản được thông thương, người dân đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, các tuyến đường ở khu vực nông thôn cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do một số tuyến đường mới xây dựng chưa có biển báo, biển cảnh báo và đèn đường, khiến việc đi lại, nhất là vào ban đêm gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

	Lực lượng chức năng tuần tra tại các tuyến đường giao thông nông thôn Nguồn:ITN
Lực lượng chức năng tuần tra tại các tuyến đường giao thông nông thôn
Nguồn:ITN

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, tai nạn xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn năm 2020 là 15 vụ, chiếm 9,04%. Tai nạn giao thông trên đường liên xã, hương lộ và đường tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao. Một trong những mối lo ngại về nguy cơ mất an toàn giao thông khu vực nông thôn hiện nay là tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển xe môtô, xe gắn máy phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, nhất là tụ tập cổ vũ, đua xe trái phép, gây mất an ninh, trật tự, khiến người dân bức xúc. Chưa kể, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư, mở rộng, kết nối với hệ thống đường tỉnh, quốc lộ là sự gia tăng lưu lượng của các loại phương tiện tham gia giao thông. Trong khi đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến tình hình trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn diễn biến khá phức tạp.

Theo đại diện UBND huyện Cần Giuộc, hiện nay, tai nạn giao thông khu vực nông thôn xảy ra chủ yếu do hạ tầng giao thông, phương tiện và ý thức của người tham gia giao thông. Cụ thể, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được xây mới, nâng cấp, mở rộng nhưng kèm theo đó là nhiều đường ngang, đường nhánh được mở ra, thiếu hệ thống biển báo, tầm nhìn bị che khuất nên dễ dẫn đến tai nạn. Việc sử dụng xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật, xe tự chế để chở hàng cũng là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông. Lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường nông thôn thiếu và mỏng, thường chỉ bố trí tuần tra ở các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện nên tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện thường xuyên vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vẫn xảy ra.

Tại huyện Đức Hòa, đại diện Ban An toàn giao thông huyện chia sẻ, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, liên xã được cải tạo, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, tình trạng tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn, các tuyến quốc lộ qua vùng nông thôn vẫn có chiều hướng tăng, có nhiều vụ tai nạn dẫn đến tử vong. Nguyên nhân là do một số tuyến đường thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm; tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông còn xảy ra. Mặt khác, người tham gia giao thông thường chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia.

Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An toàn giao thông xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa Lê Công Trường cho hay, dù các tuyến đường trục xã và trục ấp đã cứng hóa hoàn chỉnh, giúp người dân vùng biên đi lại thuận tiện kể cả trong mùa mưa. Song, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện cũng trở nên quá tải vì lượng xe vận chuyển hàng hóa liên tục. Bên cạnh đó, vào vụ thu hoạch nông sản, lượng phương tiện chuyên dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp như xe máy cày, xe chở rơm hoạt động nhiều gây hư hỏng mặt đường.

Xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa là xã vùng sâu có tuyến Đường tỉnh 817 (đường Vàm Thủ - Hòa Tây) đi ngang qua và trở thành tuyến đường trục chính của xã. Hiện đoạn đường qua trụ sở xã được tráng nhựa, thắp đèn chiếu sáng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, do địa bàn xã có nhiều kênh, rạch, lại giáp sông Vàm Cỏ Tây nên giao thông cũng phức tạp. Hầu hết tại khu vực ngã tư kênh, rạch đều có cầu giao thông nông thôn, việc lên xuống cầu do độ dốc cao và cong, tầm nhìn hạn chế cũng là nguyên nhân xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Chú trọng tuyên truyền

Để giảm tình trạng tai nạn giao thông trên hệ thống giao thông nông thôn, từ đó góp phần bảo đảm an toàn giao thông, thời gian qua, Ban An toàn giao thông tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác truyền thông. Theo đó, thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện, xã cùng các ban, ngành thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở, nhất là các hộ buôn bán trên trục đường chính chấp hành bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không lấn chiếm làm hư hỏng lòng, lề đường; vào mùa thu hoạch nông sản, nhắc nhở lái xe chấp hành quy định bảo đảm an toàn giao thông.

Nhiều mô hình góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đã được huyện triển khai như mô hình Đường quê an toàn của Hội Nông dân xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ, hội viên, nông dân, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương; mô hình Đoạn đường an toàn giao thông trên tuyến Đường tỉnh 835 qua địa bàn huyện trước đây vốn được coi là “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh việc vận động người dân, Mạnh Thường Quân thắp đèn chiếu sáng, camera giám sát an ninh, trật tự trên tuyến đường giao thông nông thôn có đông người qua lại nhằm bảo đảm an ninh, trật tự. Đây cũng là giải pháp nâng chất tiêu chí về giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, kéo giảm tai nạn giao thông bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Xử nghiêm vi phạm

Đầu tháng 4.2021, UBND tỉnh Long An đã ban hành công văn về tăng cường biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý đối tượng chống người thi hành công vụ và hành vi lấn chiếm lòng, lề đường; siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, bổ sung biển báo, lắp đặt camera tại nơi thường xảy ra tai nạn giao thông, nơi tập trung đông người.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh, hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chủ yếu tập trung kiểm tra, kiểm soát ở những điểm nóng, điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh mà chưa quan tâm nhiều đến an toàn giao thông ở nông thôn. Do đó, để giảm tai nạn trên các tuyến đường giao thông nông thôn, cần xử lý nghiêm vi phạm; phát huy vai trò các tổ tự quản an toàn giao thông, giải tỏa các chướng ngại vật, bảo đảm hành lang an toàn các tuyến đường nông thôn.

Ban An toàn giao thông các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường nông thôn qua địa bàn, nhất là vào ban đêm; ngăn chặn việc xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ; thường xuyên tổ chức họp dân để tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, triển khai, thực hiện các điều kiện về bảo đảm an toàn giao thông như khảo sát xây dựng gờ giảm tốc độ, phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn, thiết lập biển báo hiệu, biển cảnh báo đoạn đường nguy hiểm; bố trí thêm lực lượng công an xã tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe.

Các cơ quan chức năng tiếp tục nâng cao hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương trong những tháng cuối năm 2021; rà soát, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm... Bên cạnh một số giải pháp của ngành chức năng, để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn, người dân cũng cần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Lê Chi