Bảo đảm 4 yếu tố giải trình

Lê Anh 25/05/2012 10:58

Trong những năm gần đây, với tư cách là thiết chế duy nhất đại diện cho nhân dân trong một quốc gia, nghị viện càng đóng vai trò trung tâm trong việc áp đặt trách nhiệm giải trình từ phía bộ máy công quyền đối với nhân dân.

Một cuộc họp của Ủy ban Nghị viện Australia
Một cuộc họp của Ủy ban Nghị viện Australia

Mặt khác, cũng chính xu hướng đó yêu cầu phải có nhiều hơn các công cụ giám sát đa dạng, càng phải cải tiến và sử dụng các hình thức giám sát khác nhau, trong đó giám sát của các ủy ban nghị viện chiếm vị trí đặc biệt. Vai trò giám sát của các ủy ban nghị viện thể hiện ở chỗ, đúc rút ra những vấn đề chính sách then chốt từ việc giám sát có tính kỹ thuật, chuyên môn sâu, giúp cho nghị viện có cơ sở phản biện Chính phủ và buộc Chính phủ giải trình.

Giải trình nhằm buộc Chính phủ và các cơ quan Chính phủ phải hoàn thành trách nhiệm của mình, và khi có vấn đề xảy ra hoặc có kiến nghị từ người dân, thì cần phải có sẵn những cơ chế buộc các cơ quan đó giải trình về hành động của mình. Một giáo sư luật hiến pháp liệt kê các kênh buộc Chính phủ phải giải trình gồm: giải trình trước tòa án, khi các quyết định và hành vi của các cơ quan Chính phủ có thể bị kiện ở tòa; giải trình trước công chúng trong các kỳ bầu cử và qua báo chí; giải trình trước nghị viện. Ở nhiều nước, giải trình của Chính phủ trước nghị viện chủ yếu mang tính chính trị, gắn với nguyên tắc trách nhiệm tập thể của Chính phủ và trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng về lĩnh vực mình phụ trách. Bên cạnh đó, việc giải trình của bộ trưởng còn được bảo đảm qua các kênh khác như các ủy ban, các thiết chế độc lập như kiểm toán, Thanh tra nghị viện, Ủy ban chống tham nhũng.

Theo một báo cáo ở Anh về giải trình của Chính phủ, giải trình gồm có bốn yếu tố: thứ nhất, giải thích về những gì đã và đang diễn ra, ví dụ trong các báo cáo thường niên; thứ hai, cung cấp thông tin bổ sung về hoạt động khi có yêu cầu, ví dụ cho các ủy ban của nghị viện; thứ ba, rà soát hoạt động, hệ thống, cách làm, sửa đổi, thay đổi theo yêu cầu; thứ tư, sử dụng các thẩm quyền, chế tài để buộc các đối tượng chịu trách nhiệm giải trình cam kết đạt được sự thay đổi tích cực. Khác với trách nhiệm phải làm, giải trình hàm ý báo cáo, giải thích về những gì đã làm hoặc không làm theo trách nhiệm đó.

Không phải mọi công cụ giám sát đều đạt được các yếu tố này ở mức độ như nhau. Chẳng hạn, các báo cáo thường niên có ưu điểm giải thích có hệ thống về quá trình hoạt động của các bộ, nhưng người đọc không thể tiếp tục yêu cầu giải thích thêm. Các phiên hỏi đáp ở nghị viện có thể tìm kiếm, phát hiện moi ra các thông tin bổ sung cụ thể. Còn các ủy ban của nghị viện có thể là những kênh hiệu quả và có hiệu lực trong việc áp đặt trách nhiệm giải trình đối với Chính phủ, các bộ, ngành. Hoạt động giám sát của các ủy ban đều có thể đạt được cả bốn yếu tố của giải trình nói trên, từ việc yêu cầu giải thích về những gì các bộ đã làm, cung cấp thêm thông tin về những điểm chưa rõ, rà soát hiện trạng, đưa các kiến nghị sửa đổi. Đặc biệt, các phiên điều trần ở ủy ban thích hợp để nghe lập luận, giải thích về các hành động đã diễn ra, cũng như yêu cầu cam kết sửa chữa, điều chỉnh những mặt chưa được từ phía Chính phủ và các bộ, ngành.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm 4 yếu tố giải trình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO