Bảo đảm 100% đại biểu được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng

- Thứ Hai, 31/05/2021, 19:42 - Chia sẻ
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công với tỷ lệ cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu rất cao, bầu chọn ra những đại biểu ưu tú vào cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương. Để bảo đảm những người trúng cử có đủ kỹ năng và phương pháp hoạt động, trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tinh thần chung, bảo đảm 100% đại biểu được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động.

Kinh nghiệm từ các lớp bồi dưỡng nhiệm kỳ 2016 - 2021

Theo Báo cáo tổng kết công tác bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, ngày 22.5.2016, hơn 67 triệu cử tri trên cả nước đã tham gia bỏ phiếu (đạt 99%) bầu được 3.908 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 25.181 đại biểu HĐND cấp huyện và 292.306 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 với cơ cấu, thành phần cơ bản phù hợp như dự kiến.

Quang cảnh một buổi tập huấn kỹ năng cho các đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021
Quang cảnh một buổi tập huấn kỹ năng cho các đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021
Nguồn: ITN

Hai ngày trước đó, Bộ Nội vụ ban hành Công văn hướng dẫn xây dựng Kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cùng với đó, Bộ giao Học viện Hành chính Quốc gia biên soạn tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND và chuyển gần 325.000 cuốn tài liệu cho 63 tỉnh, thành phố phục vụ bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp sau bầu cử.

Tài liệu gồm 5 chuyên đề: Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam; Tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; Tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam; Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND; Kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND. Căn cứ vào thực tiễn, các địa phương đã chỉnh sửa, bổ sung nội dung báo cáo chuyên đề phù hợp với đối tượng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.

Để chuẩn bị cho việc bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp, Bộ Nội vụ đã tổ chức 3 hội thảo cho gần 600 giảng viên nguồn. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Nội vụ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã cử đại biểu HĐND cấp tỉnh tham gia các lớp do Bộ Nội vụ tổ chức và tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã theo đúng kế hoạch.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đã tổ chức 11 lớp bồi dưỡng cho 3.603/3.795 đại biểu HĐND cấp tỉnh, đạt 94,94%. Các địa phương tự tổ chức lớp bồi dưỡng như tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang và có nhu cầu hỗ trợ, Bộ Nội vụ cung cấp tài liệu bồi dưỡng, giới thiệu các báo cáo viên.

Việc tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã do địa phương triển khai thực hiện. Theo số liệu thống kê của các tỉnh, thành phố, tổng số đại biểu HĐND cấp huyện tham dự các lớp bồi dưỡng đạt 93,57%; tổng số đại biểu HĐND cấp xã tham dự các lớp bồi dưỡng đạt 94,06%.

Nhìn chung, các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh cơ bản đạt kết quả tốt. Đối với các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã, các địa phương đã chủ động hoàn thành sớm tiến độ và đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều địa phương đã chủ động tập huấn cho các báo cáo viên tại địa phương như Đắk Nông, Đồng Tháp, Quãng Ngãi, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Trà Vinh…

Tuy vậy, công tác bồi dưỡng, đào tạo đại biểu dân cử nhiệm kỳ này vẫn còn một số hạn chế. Đó là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan được giao biên soạn chương trình, tài liệu và triển khai tổ chức thực hiện bồi dưỡng đôi khi chưa được triển khai khoa học và cụ thể. Một số địa phương chưa thống nhất việc giao một đơn vị làm đầu mối triển khai thực hiện tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, việc xác định nhu cầu bồi dưỡng đại biểu HĐND chưa thực hiện theo kế hoạch và quá trình tổ chức chưa lưu ý đến đặc thù của từng địa phương, nhất là đối với đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Một số địa phương thiếu giảng viên, báo cáo viên, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hoặc chưa chủ động bố trí kinh phí và huy động thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp.

Phương hướng cho nhiệm kỳ mới

Chúng ta vừa trải qua sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, hơn 69 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu, lựa chọn  những vị đại diện ưu tú cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân tham gia Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để bảo đảm cho các đại biểu, đặc biệt là đại biểu HĐND các cấp, có đủ kỹ năng và phương pháp hoạt động, Bộ Nội vụ đã thành lập Ban chỉ đạo biên soạn chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tinh thần bảo đảm 100% đại biểu được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động. Các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh (do Bộ Nội vụ tổ chức) bảo đảm hoàn thành trong tháng 12.2021. Các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện bảo đảm hoàn thành trước 31.5.2022. Các lớp bồi dưỡng đại biểu cấp xã bảo đảm hoàn thành trước 31.7.2022.

Về chương trình, tài liệu bồi dưỡng, đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, thống nhất sử dụng chương trình, tài liệu bồi dưỡng do Bộ Nội vụ biên soạn, ban hành và cung cấp tại các lớp bồi dưỡng. Đối với đại biểu cấp huyện, cấp xã, địa phương căn cứ chương trình, tài liệu bồi dưỡng nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Bộ Nội vụ biên soạn, ban hành và hướng dẫn thực hiện.

Bộ Nội vụ sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh và các lớp tập huấn giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã trong quý III, IV.2021. Các địa phương cần cử đúng, đủ số lượng và thành phần đại biểu tham dự; đồng thời chọn, cử giảng viên, báo cáo viên tham gia bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã dự các lớp tập huấn giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã do Bộ Nội vụ tổ chức.

Về phía địa phương, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo và giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị cấp tỉnh và các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Chủ động bố trí kinh phí và huy động thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt chất lượng, hiệu quả. Cụ thể, áp dụng Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện bồi dưỡng đại HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Đổi mới công tác bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp là một trong những nội dung quan trọng nâng cao chất lượng đại biểu HĐND. Cần đổi mới hình thức, nội dung bồi dưỡng, tổ chức tập huấn theo chuyên đề, tổ chức giao ban, hội thảo trao đổi rút kinh nghiệm; tập trung bồi dưỡng những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật, về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và HĐND, về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu dân cử. Cùng với đó, chú trọng bồi dưỡng những kỹ năng có tính đặc thù và cần thiết đối với đại biểu dân cử như kỹ năng giám sát và chất vấn, phân tích chính sách, thảo luận tại nghị trường, tiếp xúc cử tri, quan hệ với báo chí...

Mỗi đại biểu HĐND cần chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng để hoàn tốt nhiệm vụ theo luật định; tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND; thường xuyên trau dồi kỹ năng hoạt động, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin để giúp HĐND ban hành nghị quyết kịp thời, bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương.

TS. Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức - Bộ Nội vụ