Tham gia Đoàn có: Phó Tổng biên tập Nguyễn Thị Minh Hằng; đại diện cán bộ chủ chốt các ban và phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo ĐBND...
Sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ luôn trường tồn cùng non sông, đất nước
Tại Quảng Trị, Tổng Biên tập Báo ĐBND Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (phường 4, TP. Đông Hà) - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.700 liệt sĩ đã hi sinh trên chiến trường Quảng Trị và làm nhiệm vụ cao cả tại nước bạn Lào; Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh) - nơi yên nghỉ của 10.333 liệt sĩ đã hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Tại Quảng Trị, với tấm lòng biết ơn sâu sắc tới sự hy sinh anh dũng, bi tráng của các Anh hùng liệt sĩ trong 81 ngày đêm "mùa hè đỏ lửa" năm 1972, Đoàn đã tới dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Tại chiến trường ác liệt này, tròn 52 năm trước, từ ngày 28.6 đến 16.9.1972, trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, viết nên một "bản tráng ca hào hùng" của dân tộc Việt Nam. Cuộc chiến đấu đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước Anh linh các anh hùng liệt sĩ, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn công tác đã thành kính dâng hương, dâng hoa, bày tỏ tấm lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn và sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân. Sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ luôn trường tồn cùng non sông, đất nước.
Tại Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... đã không tiếc máu xương, cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
Đường 20 Quyết Thắng là con đường giao thông huyết mạch, tuyến vận tải chiến lược, một đầu mối quan trọng trên đường Hồ Chí Minh, được mệnh danh là “Con đường tuổi 20”; mỗi mét đường nơi đây là công sức, mồ hôi và máu xương của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám đường, bảo vệ, làm nhiệm vụ cứu hộ, thông xe, vận chuyển hàng hóa, vũ khí… chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là con đường thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá, "quyết thắng" trên mặt trận giao thông vận tải, cùng các mặt trận khác đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn đã dâng hương, dâng hoa tại Hang Tám Cô - nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng, bi tráng của 5 chiến sĩ binh chủng pháo binh và 8 thanh niên xung phong (thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Binh đoàn Trường Sơn) khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, bảo đảm 7km mặt đường (từ km13 đến km20 trên Đường 20 Quyết Thắng) luôn thông suốt.
Tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (huyện Đô Lương, Nghệ An), Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân…
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, nút giao thông rất quan trọng, bị đế quốc Mỹ ra sức đánh phá nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch, chặn đứng sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, lương thực... của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam…
Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10.1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Hàng nghìn, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc, trong đó có 10 cô gái thanh niên xung phong, đã anh dũng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ thông tuyến đường tại đây. Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989 và được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
Truông Bồn - mảnh đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi máu của đồng chí, đồng bào đã đổ xuống trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, nơi in dấu tuổi thanh xuân sục sôi chiến đấu của hàng nghìn, hàng vạn thanh niên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. 1.240 người con ưu tú đã ngã xuống trên cung đường huyền thoại Truông Bồn, trong đó có sự hy sinh của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 317 vào ngày 31.10.1968.
Sẻ chia, chung tay cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Nhân dịp này, tại Quảng Trị, Tổng Biên tập Báo ĐBND và Đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình vợ liệt sĩ, thương binh Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1938) và gia đình thương binh Trương Hồng Nam (sinh năm 1939) tại thôn Tân Yên, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong.
Đặc biệt, trong hành trình năm nay, Báo Đại biểu Nhân dân đã phối hợp UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An tổ chức Chương trình tặng quà tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện.
Tham dự Chương trình có: Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã; đại diện Ban Thường vụ huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các sở, ngành có liên quan của huyện Thanh Chương.
Phát biểu tại đây, Tổng Biên tập Báo ĐBND Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27.7.1947 là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước. Kể từ đó, ngày 27.7 đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử chính trị nhân văn sâu sắc, là ngày tưởng nhớ đến các Anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với nước - những người đã cống hiến một phần công sức, xương máu của mình cho độc lập, tự do và sự trường tồn của dân tộc.
"Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Báo ĐBND có hành trình tri ân thường niên về với các "địa chỉ đỏ", từ Quảng Trị máu lửa anh hùng đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đậm chất "tráng ca bất tử". Khẳng định điều này, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ: Hôm nay, Báo ĐBND được về với vùng đất "địa linh nhân kiệt" với danh xưng Thanh Chương có bề dày lịch sử 555 năm (1469 - 2024), truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh bất khuất, để thăm, tặng quà tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
"Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đã có hơn 50.000 người con Thanh Chương tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có hơn 5.000 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và gần 8.000 người đã để lại một phần thân thể trên khắp các chiến trường. Trong những năm tháng ác liệt đó, nhiều địa danh, như Rú Nguộc, Rào Gang, những "Trung đội thép Ngọc Sơn", những "cô gái Văn Bình", những "bông hoa Rú Nguộc"... mãi mãi là niềm tự hào của quê hương cách mạng Thanh Chương", Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định.
Nhân dịp này, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Báo ĐBND trân trọng gửi tới các gia đình chính sách, người có công với cách mạng của huyện Thanh Chương 50 suất quà tình nghĩa, để bày tỏ tấm lòng và tình cảm biết ơn sâu sắc nhất đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trên khắp mọi miền của Tổ quốc nói chung và huyện Thanh Chương nói riêng.
Tại chương trình, với sự đồng hành của Công ty TNHH Amway Việt Nam, Nhà thuốc FPT Long Châu, Công ty TNHH Sản Xuất & Xuất Nhập Khẩu Nguyên Hà - Phạm Gia, Tổng Biên tập Báo ĐBND Phạm Thị Thanh Huyền và Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã đã trao các suất quà (gồm hiện vật và tiền mặt) tặng các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và hộ nghèo, hộ khó khăn của các xã trên địa bàn huyện Thanh Chương.
Thay mặt UBND huyện Thanh Chương, Chủ tịch UBND huyện Trình Văn Nhã chân thành cảm ơn tình cảm và những món quà thiết thực mà Báo Đại biểu Nhân dân đã dành tặng 50 gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và hộ nghèo, hộ khó khăn của huyện; khẳng định đây là hoạt động rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, sẻ chia, chung tay của Báo ĐBND với huyện Thanh Chương trong việc chăm lo cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.