Việt Nam và thế giới

Báo Crésus: Việt Nam và châu Phi - từ chiến hữu trong lịch sử đến đối tác của tương lai

Quỳnh Vũ 22/07/2025 21:10

Nhân chuyến thăm hai nước châu Phi của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tờ Crésus của Algeria đã có bài viết đánh giá cao vị thế của Việt Nam; đồng thời khẳng định với nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp, Việt Nam và các quốc gia châu Phi có cơ hội để thúc đẩy hợp tác, hướng đến tương lai thịnh vượng.

“Điểm đến tri thức” trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn

Tác giả bài viết cho rằng, Việt Nam đang tự định vị mình là “điểm đến tri thức” trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, dựa trên các giá trị bản địa, chuỗi giá trị cộng đồng và hội nhập thương mại quốc tế.

untitled.png
Bài báo trên tờ Crésus của Algeria

Là một quốc gia nông nghiệp, với hơn 60% dân số sống ở nông thôn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD vào năm 2024 và 33,84 tỷ USD trong nửa đầu năm 2025, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước.

Bài báo lưu ý, Việt Nam hiện đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tập trung vào phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp thông minh. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 4%/năm.

Tại Việt Nam, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) không chỉ là một thương hiệu quốc gia mà còn là mô hình liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trong một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực, kiểm soát chất lượng, phát triển thương hiệu và tiếp cận thị trường.

Một quốc gia đang chuyển mình toàn diện

Bài báo cũng nhấn mạnh thời gian gần đây, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã bắt tay vào cải cách toàn diện bộ máy hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời thúc đẩy bốn trụ cột chiến lược: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; phát triển khu vực tư nhân; và cải cách thể chế, lập pháp và pháp lý.

Tiếng nói tích cực trong thúc đẩy hợp tác Nam - Nam

Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong thúc đẩy hợp tác Nam - Nam. Những sáng kiến của Việt Nam phù hợp với bốn mục tiêu của Tổ chức Nông, Lương Liên Hợp Quốc (FAO): "Cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và sinh kế, không bỏ lại ai phía sau". Việt Nam quan tâm đến việc xây dựng một mạng lưới chia sẻ chính sách, công nghệ và thị trường, tăng cường năng lực cho các nhà quản lý nông thôn, hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam cũng kêu gọi xây dựng mô hình đối tác công-tư-cộng đồng.

Bài báo ca ngợi, Việt Nam cũng gửi đi lời kêu gọi mạnh mẽ các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính và các đối tác song phương và đa phương tiếp tục hỗ trợ hợp tác Nam - Nam, nhằm giúp các nước thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, hướng tới một nền nông nghiệp năng động, toàn diện, giàu bản sắc văn hóa và bền vững.

Theo báo cáo chung mới công bố của FAO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất hiện chiếm khoảng 22% lượng khí thải nhà kính do con người gây ra. Hơn nữa, diện tích đất canh tác và số lượng vật nuôi dự kiến sẽ tăng, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Á. Điều này ngụ ý rằng lượng khí thải nông nghiệp có thể tăng 6% trong giai đoạn 2025-2034.

Là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc giảm phát thải từ nông nghiệp. Việt Nam sẵn sàng hợp tác trên tinh thần đoàn kết cùng có lợi với các nước ở châu Phi để cùng nhau giải quyết các thách thức về an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và phát thải thấp.

Nhà sản xuất Halal tiềm năng

Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Phi có đông người theo đạo Hồi, bài viết đặc biệt lưu ý, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều tiềm năng trong sản xuất thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, các sản phẩm Halal của Việt Nam nổi bật với chất lượng tuyệt hảo và đã chinh phục được những người tiêu dùng khó tính nhất tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Malaysia và Indonesia. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc thâm nhập vào các thị trường này, bao gồm Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Chế biến xuất khẩu Cầu Tre và Tập đoàn Trung Nguyên.

520324832_1260933359375529_3606215833011003067_n.jpg
Trang nhất của tờ Crésus với dòng tít về Việt Nam

Tuy nhiên, thị trường Halal tại châu Phi đang đặt ra những thách thức cụ thể, bao gồm việc thiếu một hệ thống chứng nhận Halal thống nhất, với mỗi quốc gia đều có cơ quan quản lý riêng. Thủ tục hải quan phức tạp và quy trình thanh toán chậm cũng là những rào cản lớn. Những thách thức này đòi hỏi sự phối hợp hành động từ chính quyền và doanh nghiệp hai bên để thúc đẩy mở rộng thương mại song phương, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, mà còn trong các lĩnh vực khác. Đây là một giải pháp đầy hứa hẹn để các bên vượt qua những thách thức do bối cảnh toàn cầu hiện nay đặt ra.

Từ chuyến bay thẳng đầu tiên đến thúc đẩy giao lưu

Một tín hiệu tích cực được bài viết nhấn mạnh là việc chính thức khai trương đường bay thẳng giữa Việt Nam và châu Phi.

Ngày 11/7 vừa qua, Sân bay Quốc tế Nội Bài đã chào đón chuyến bay thẳng đầu tiên giữa Việt Nam và châu Phi. Chuyến bay ET0678 của Hãng Ethiopian Airlines, khởi hành từ Addis Ababa, đã hạ cánh an toàn lúc 13 giờ 15 phút, đánh dấu sự kiện chính thức khai trương đường bay thẳng giữa hai thủ đô, mở đường cho các chuyến bay đến các thủ đô kết nghĩa khác của châu Phi.

Hãng hàng không mới này cung cấp nhiều lựa chọn di chuyển hơn giữa Châu Phi và Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy du lịch, thương mại và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Châu Phi.

Mở ra những chiều hợp tác mới

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn tới một số nước châu Phi được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác cho việc khôi phục quan hệ lịch sử và mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng trong những năm tới. Không chỉ tăng cường hợp tác nghị viện, chuyến thăm này còn là cơ hội thúc đẩy giao lưu nhân dân, thể hiện sự chân thành của nhân dân Việt Nam trong mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước anh em châu Phi.

Là một quốc gia tiên phong trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc, Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế tiên phong trong công cuộc đổi mới, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí - những tệ nạn đang kìm hãm sự phát triển của đất nước và dân tộc. Với tinh thần cởi mở và cam kết sâu sắc với tình đoàn kết quốc tế, người Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu này, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, thu hút đầu tư và phát triển đất nước.

Tờ Cresus cho rằng, với những cơ sở bền vững đó, Việt Nam và châu Phi cần tiếp tục củng cố lòng tin chính trị, tăng cường trao đổi cấp cao thường xuyên và đẩy nhanh đàm phán các hiệp định cơ bản như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, cũng như khuôn khổ pháp lý vững chắc cho hợp tác thương mại, tài chính và ngân hàng.

Tờ báo kết luận: Không có lý do gì mà những dân tộc từng sát cánh cùng nhau chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc trước đây, ngày nay lại không thể cùng nhau hợp tác trên con đường phát triển kinh tế, thịnh vượng và tăng trưởng chung.

Theo Cresus
https://cresus.dz/?p=13502812
Copy Link
https://cresus.dz/?p=13502812
    Nổi bật
        Mới nhất
        Báo Crésus: Việt Nam và châu Phi - từ chiến hữu trong lịch sử đến đối tác của tương lai
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO