Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch

- Thứ Bảy, 18/09/2021, 15:27 - Chia sẻ
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cùng với các lực lượng tuyến đầu, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, các phóng viên, nhà báo trên cả nước đã không quản hiểm nguy, xung kích để thực hiện sứ mệnh của mình.

Xung kích với tinh thần trách nhiệm của người làm báo

Sáng 18.9, Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng - Bộ Y tế, Truyền hình HiTV - Truyền hình Cáp Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến “Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19” nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, động viên khích lệ người làm báo trong công cuộc phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại tọa đàm

20 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã nhiều lần bùng phát tại Việt Nam, trong đó nghiêm trọng nhất là đợt dịch thứ 4 đã và đang gây ra những tổn thất rất nặng nề ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, sức khỏe của Nhân dân là trên hết và trước hết, chúng ta đang dồn sức từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, duy trì sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, "đó là thắng lợi của tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao, sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên mọi lĩnh vực, trong đó có đóng góp hết sức quan trọng của lực lượng báo chí và truyền thông”.

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, báo chí các loại hình ở trung ương và địa phương đã đưa thông tin chân thực, nhanh nhạy kịp thời đến công chúng. Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng chia sẻ: Từ khi dịch bệnh bùng phát, cơ quan báo chí đã cử phóng viên xung phong vào tuyến đầu. Đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4, phóng viên các cơ quan báo chí của thành phố và các cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn đã vào cuộc tích cực.

Mỗi ngày có hàng nghìn sản phẩm báo chí được xây dựng, xuất bản, tập trung 3 nhóm: Tuyên truyền chủ trương chính sách, hướng dẫn người dân thực hiện; có nhiều sáng kiến viết về những tấm gương người tốt việc tốt, kết nối sẻ chia vì tuyến đầu chống dịch, phản bác lại tin giả lan truyền trên mạng xã hội; phát động quyên góp, đóng góp trang thiết bị cho bệnh viện, cho chương trình vaccine, có hoạt động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa năng lượng tích cực...

Theo Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng: Báo chí Hà Nội với gần 900 hội viên đã thể hiện vai trò xung kích, thông tin có định hướng, chuyển tải kịp thời hoạt động của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố, thông tin chống dịch bệnh trên cả nước và thành phố.

Với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người làm báo, báo chí đã vào cuộc, dù chính các cơ quan báo chí cũng gặp rất nhiều khó khăn, vật lộn với việc bảo đảm phát hành báo trong điều kiện dịch bệnh...

Vượt qua thách thức

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp và sự vào cuộc quyết liệt của những "người thư ký thời đại" trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh niên cho biết: Thách thức chủ yếu của cơ quan báo chí là an toàn của lực lượng lao động, phóng viên, biên tập viên. Tính tới thời điểm này, báo Thanh niên đã có 25 trường hợp F0. Để bảo đảm an toàn cho phóng viên, biên tập viên, báo đã đẩy mạnh làm việc trực tuyến...

Báo chí vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ thông tin và đóng góp cho hoạt động chống dịch bệnh - Nguồn: Nguoilambao.vn
Báo chí vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ truyền tải thông tin, đóng góp quan trọng vào công tác chống dịch bệnh
Nguồn: Nguoilambao.vn

Còn theo Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ninh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Mai Vũ Tuấn: Trong truyền thông chống Covid-19, các cơ quan báo chí tăng thời lượng truyền thông, có tin bài đi sâu đi sát cơ sở, cung cấp thông tin cho độc giả, thính giả. Đây là đợt truyền thông lớn nên Trung tâm đã xây dựng kế hoạch truyền thông, đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện. Trong thời điểm dịch bệnh, cơ quan báo chí phải linh hoạt phương thức truyền thông chống dịch trong từng thời điểm. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền sản phẩm báo chí trên mạng xã hội để lan truyền thông tin chính thống, góp phần định hướng thông tin, đấu tranh với thông tin sai trái. Dịch bệnh Covid-19 cũng là cơ hội để các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số...

Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng kiến nghị: Hội Nhà báo nên có app kết nối với Hội Nhà báo địa phương, họp trực tuyến trên toàn quốc, để truyền đạt thông tin định hướng, tiếp nhận phản ánh của các Hội trên toàn quốc. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là cơ hội vàng để Hội Nhà báo xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số cho cơ quan báo chí.

Tại tọa đàm, các ý kiến cũng đề xuất cần có những chính sách hỗ trợ đội ngũ nhà báo, phóng viên tác nghiệp trên tuyến đầu chống dịch; có cơ chế, chính sách về tài chính hỗ trợ cơ quan báo chí vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay; có cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí về các vấn đề liên quan tới hoạt động chống Covid-19. Hội Nhà báo tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến cho báo chí; có diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm để giúp các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, bảo vệ an toàn cho các nhà báo...

Tiếp thu các ý kiến, đề xuất tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, các ý kiến liên quan đến nhiều vấn đề của báo chí, quản lý báo chí sẽ được Hội Nhà báo tập hợp đầy đủ, tiếp tục kiến nghị với các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Ông Hồ Quang Lợi kỳ vọng báo chí tiếp tục nêu cao tinh thần dấn thân, quả cảm, tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đồng lòng với toàn Đảng, toàn dân chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Ngọc Phương