Báo chí thông tin tiêu cực, nên hay không?

Có ý kiến nhận định nhiều tờ báo đang tập trung phản ánh thông tin tiêu cực, là “phiên bản lỗi” của mạng xã hội, ảnh hưởng xấu tới độc giả. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh thông tin tích cực, báo chí vẫn phải đưa thông tin phê phán cái xấu, tuy nhiên, điều này phải hướng tới xây dựng, kiến tạo những điều tốt đẹp trong xã hội.

Hệ lụy của thông tin tiêu cực

Sáng 21.12, tại Hà Nội, Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo khoa học “Báo chí kiến tạo”, với sự tham gia của đại diện cơ quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí.

Báo chí đăng tải thông tin tiêu cực, nên hay không? -0
Toàn cảnh Hội thảo

Nhìn ở góc độ báo chí và doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng: Những năm vừa qua, báo chí đóng góp tích cực trong các chương trình cải cách, trong đó có cải cách môi trường kinh doanh. Báo chí rất bền bỉ trong quá trình này, nhiều cải cách không thể thực hiện được nếu không có báo chí. Điều này là vì lợi ích chung, chia sẻ giá trị và mong muốn xã hội tích cực hơn. Đấy là đóng góp cực kỳ quan trọng của các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cũng trăn trở, thời gian gần đây, trước khi nhận định vấn đề gì đó, các chuyên gia thường nói “nếu như thông tin báo chí đăng tải là chính xác”, cho thấy thực tế đâu đó thông tin báo chí đăng tải chưa chính xác, chuẩn mực; cũng có thông tin vô thưởng vô phạt nhưng tạo ra hệ quả thật, nghiêm trọng, một bài báo có thể gây bất lợi cho hàng hóa, sản phẩm Việt Nam, có thể đẩy đến phá sản doanh nghiệp… Bên cạnh việc báo chí đang đóng góp quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, báo chí cũng có thể đang làm môi trường đầu tư và kinh doanh rủi ro và đắt đỏ hơn…

Báo chí đăng tải thông tin tiêu cực, nên hay không? -1
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, báo chí là diễn đàn của cuộc sống

“Cá nhân tôi luôn mong ước rằng doanh nghiệp và báo chí là hai đối tác quan trọng của nhau. Báo chí cần thông tin, doanh nghiệp cần diễn đàn. Cả hai đối tác hướng tới một mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Thậm chí mong ước có được những quỹ đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quỹ dành cho những phóng viên điều tra xuất sắc mà doanh nghiệp chung tay đóng góp” - ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Đề cập tới những nhức nhối trong dư luận xã hội có liên quan tới báo chí, Luật sư Nguyễn Danh Huế nêu ví dụ: Có Việt kiều mấy chục năm không về nước, đọc báo chí càng không dám về vì thấy thông tin về thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, các vụ án ghê rợn… Mất niềm tin là cái mất lớn nhất. Hệ lụy của những thông tin tiêu cực trên báo chí tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Một phần báo chí cần nhìn lại mình, có thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để xứng với vai trò là cơ quan thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

Tích cực, xây dựng khi giám sát và phản biện

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Tin tức tiêu cực luôn thu hút công chúng, bởi họ quan tâm đến sự an toàn của mình. Tuy nhiên, cần xây dựng khung tiêu chí rõ ràng thế nào là tin tức báo chí tích cực và tin tức báo chí tiêu cực, dựa trên chức năng giám sát và phản biện của báo chí. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan không hài lòng về báo chí, coi báo chí là rủi ro vì báo chí có chức năng giám sát, phản biện xã hội. Nhưng tính tích cực, xây dựng và đưa ra được giải pháp khi giám sát và phản biện xã hội là quan trọng. Thực tế, báo chí kiến tạo ở Việt Nam đã làm nhiều, nhưng chưa được làm rõ, truyền thông rộng rãi để thúc đẩy sự phát triển của nó một cách hệ thống. Hy vọng sau hội thảo sẽ có dự án về báo chí kiến tạo, có hoạt động thường niên, xây dựng quỹ thúc đẩy…

Nhận định báo chí phải là hơi thở của cuộc sống, phản ánh cả điều tích cực và tiêu cực, chung tay xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, Luật sư Nguyễn Danh Huế kiến nghị, để nâng cao, phát huy vai trò của báo chí phải giải quyết được vấn đề nguồn thu của cơ quan báo chí, để nhà báo có thể sống bằng nghề, có hành lang pháp lý chặt chẽ để các cơ quan báo chí phát triển, tuân thủ pháp luật…

Báo chí đăng tải thông tin tiêu cực, nên hay không? -2
Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Mai Hương Giang phát biểu tại Hội thảo

Cho rằng báo chí đang phản ánh sự thật ít, “đu trend” nhiều, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, Học viện Báo chí và Tuyên truyền góp ý: Báo chí phải đổi mới, phát huy vai trò với xã hội, báo chí với chính sách, với cộng đồng, báo chí với giá trị nhân văn, cố gắng thoát ly ra ngoài lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng. Thông tin của nhà báo là sự thật - đây là trách nhiệm cao cả mà công chúng trao cho báo chí. Báo chí cần kiên trì đi theo lối hướng vào phục vụ công chúng thì công chúng chủ động sẽ theo báo chí.

Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Mai Hương Giang, qua số liệu đo quét về thông tin báo chí, chỉ số lan tỏa thường thiên về bài tiêu cực, được chia sẻ nhiều nhất, dẫn lại trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng có những bài liên quan báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo là câu chuyện mà xã hội cần, vẫn thu hút độc giả. Chẳng hạn trong giai đoạn Covid-19, ban đầu báo chí phản ánh thông tin dịch bệnh, sau đó báo chí hướng dẫn cho người dân phòng chống dịch bệnh và tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn sau Covid-19…

Bà Mai Hương Giang cho rằng, báo chí viết về tiêu cực vì lý do gì là quan trọng? Báo chí cần viết về cái tiêu cực, phê phán cái xấu để mong những điều tốt đẹp hơn trong xã hội, thay vì viết về tiêu cực để thu hút bạn đọc, quảng cáo… Năm vừa rồi, Cục đã phối hợp với các đơn vị, đồng hành với cơ quan báo chí về kinh tế báo chí, chuyển đổi số. Cục cũng đang thành lập Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, kết hợp với công ty công nghệ, cơ quan quản lý… từ hỗ trợ này sẽ ra nguồn thu, cải thiện kinh tế báo chí.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí cho biết trong hoạt động thực tiễn của mình đã và đang hướng tới báo chí xây dựng, báo chí giải pháp nhằm tác động tích cực đến đời sống xã hội, định hướng dư luận, tạo niềm tin đồng thuận cùng các bộ, ngành đưa ra giải pháp xử lý các tồn tại.

Việc kiến tạo, hướng tới báo chí tử tế cũng là con đường mà nhiều cơ quan báo chí hướng tới. Nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietNamNet cho rằng: “Báo chí kiến tạo là xu hướng báo chí Việt Nam phải đi chặng đường dài phía trước để lấy lại niềm tin của công chúng và trở lại giá trị cốt lõi của báo chí”.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.