Nhà lãnh đạo để lại nhiều ấn tượng đối với báo chí quốc tế
Truyền thông quốc tế đã đăng tải thông tin với các bài viết ca ngợi dấu ấn trong sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng tải thông tin ở trang chủ cho biết: "Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã từ trần ngày 19.7, ở tuổi 80".
Báo CGTN của Trung Quốc điểm lại một số dấu mốc trong sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với dấu mốc: Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2011 và giữ chức Chủ tịch nước từ năm 2018 đến năm 2020. Tờ báo cũng nhấn mạnh năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Huân chương Hữu nghị của Trung Quốc. Đây là huân chương cao quý nhất của Trung Quốc dành cho các cá nhân xuất sắc người nước ngoài.
Báo Granma của Cuba đưa tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người bạn thuỷ chung của Cuba, từ trần vì tuổi cao, bệnh nặng, dù được bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc.
Hãng thông tấn Cuba (ACN) có bài: Được tin Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần, các đại biểu Quốc hội Cuba đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí tại hội trường chính của Trung tâm Hội nghị Havana ở thủ đô Havana. "Chúng tôi được tin về sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong nỗi buồn sâu sắc. Để tưởng nhớ đồng chí, chặng đường cách mạng kiên trì và tình anh em mà đồng chí đã dành cho đất nước chúng ta, và thay mặt những người dân mà chúng ta đại diện, tôi đề nghị dành một phút mặc niệm tại phiên họp thường kỳ", Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez nói.
Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 19.7 có bài viết khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam, từng kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng. Mới đây, ông đã tiếp đón Tổng thống Nga V. Putin sang thăm Việt Nam cấp Nhà nước.
"Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đánh giá chuyến thăm của Tổng thống V. Putin rất quan trọng. Theo ông, quan hệ giữa Nga và Việt Nam đang phát triển hiệu quả. Ông đã đề xuất thảo luận thêm thêm các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước", TASS nêu rõ.
Đài truyền hình RBC của Nga đưa tin “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng qua đời”. Bài viết của RBC cho biết: Ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức Tổng Bí thư trong 13 năm; đồng thời giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2021. Trong lịch sử hiện đại của đất nước, đây chỉ là lần thứ ba một lãnh đạo đảng đồng thời là nguyên thủ quốc gia.
Đánh giá về nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, Đài RBC khẳng định “Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh dấu dấu bằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ; đồng thời chứng kiến sự cải thiện vị thế quốc tế của Việt Nam”, khi quốc gia này củng cố quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với Mỹ và duy trì quan hệ sâu sắc với Nga.
Đài truyền hình cũng cho biết, vào năm 1983, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô phong tặng Ngài Nguyễn Phú Trọng danh hiệu Ứng viên Khoa học Lịch sử.
"Kiến trúc sư" của cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ nhất
Hãng tin AP, tờ Washington Post, các tờ báo của Ấn Độ, Đức và nhiều quốc gia khác đồng loạt có bài viết nói về di sản quan trọng mà Tổng Bí thư của Việt Nam, trong đó các tờ báo đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc chiến chống tham nhũng và chính sách “ngoại giao cây tre” đã giúp mang lại vị thế quốc tế ngày càng cao cho quốc gia Đông Nam Á.
AP thông tin: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944 tại Hà Nội, là một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa Mac - Lenin, tốt nghiệp ngành triết học trước khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản khi mới 22 tuổi. Ông là một trong những nhà lãnh đạo được tôn trọng nhất ở Việt Nam với việc coi tham nhũng là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với việc duy trì tính chính danh của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng toàn diện đã góp phần mang lại sự trong sạch, vững mạnh cho Đảng Cộng sản. Kể từ năm 2016, hàng nghìn đảng viên vi phạm đã bị kỷ luật, trong đó có cả những nhân vật cấp cao. Đây là điều “chưa từng có” so với giai đoạn 1986 đến năm 2016, khi không có quan chức cao cấp vi phạm nào bị kỷ luật. “Không có vùng cấm” - chính là châm ngôn trong cuộc chiến chống tham nhũng kiên quyết do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động.
Các tờ báo của Hoa Kỳ cũng đặc biệt ấn tượng với nỗ lực chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như những hiệu quả mà cuộc chiến này mang lại. Tờ Washington Post của Hoa Kỳ đánh giá: "Nỗ lực chống tham nhũng của ông nhằm khơi dậy niềm tin của công chúng vào Đảng Cộng sản và sự quản lý của Đảng đối với nền kinh tế Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, với các lĩnh vực khởi nghiệp đang phát triển".
Báo New York Times cũng đánh giá cao những thành tựu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Ông Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ của ông, các siêu cường lớn trên thế giới đã tích cực xây dựng mối quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này", New York Times viết.
Một số trang quốc tế khác cũng có những bài viết rất sâu sắc về những thành tựu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được.
Bài báo trích dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội năm 2014: "Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa”.
Đến năm 2016 khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước vào nhiệm kỳ thứ hai, nỗ lực đó mở rộng thành chiến dịch rộng khắp với cường độ quyết liệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu nhắc tới chiến dịch này với những hình tượng “củi” và “lò” để minh họa cho quyết tâm theo đuổi công cuộc trong sạch hóa giới lãnh đạo.
“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào năm 2017.
Về hiệu quả của chiến lược chống tham nhũng, hãng tin AFP của Pháp dẫn lời của chuyên gia cho rằng cuộc chiến đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, điều có thể thấy rõ ở tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. GDP năm 2023 của Việt Nam tăng trưởng khoảng 5%. "Việt Nam cũng đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số doanh nghiệp quan trọng nhất thế giới trong thập niên qua", AFP nhận định.
Nhà ngoại giao bậc thầy trong cân bằng quan hệ
Chính sách ngoại giao dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt gây ấn tượng. Hãng AP đánh giá: Quốc gia Đông Nam Á dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã theo đuổi chính sách “ngoại giao cây tre”, một ẩn dụ mà ông vẫn sử dụng để ví von nền ngoại giao Việt Nam với gốc chắc, thân vững, cành uyển chuyển; kiên quyết nhưng mềm dẻo, không dễ dàng bị bẻ gãy trước những cơn gió ngược của địa chính trị.
Tờ Washington Post bình luận: "Trên trường quốc tế, ông Nguyễn Phú Trọng được coi là người thực hiện khéo léo trường phái "ngoại giao cây tre" của Việt Nam khi đất nước điều hướng mối quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng, đồng thời xây dựng quan hệ với các quốc gia như Ấn Độ và Nga".
Còn New York Times cho rằng, với chiến lược "ngoại giao cây tre", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "rất giỏi trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn". Tờ báo trích dẫn lời ông Alexander Vuving - Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K.Inouye (DKI APCSS), nhận định: "Ông ấy là bậc thầy về phòng ngừa rủi ro".
Hãng Reuters và Channel News Asia của Singapore đều có bài viết nêu bật vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hơn một thập kỷ qua, khi Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nâng cao quan hệ với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ bằng chính sách "ngoại giao cây tre" của mình. Một trong những minh chứng là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái với dấu mốc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.
Ba tháng sau, mối quan hệ với Trung Quốc được thúc đẩy lên tầm cao mới khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm Việt Nam. Với đường lối ngoại giao đó, Việt Nam cũng đã đón tiếp Tổng thống Nga V. Putin vào tháng 6 vừa qua và nâng quan hệ với Nhật Bản lên mức cao nhất vào năm ngoái.
Một bài xã luận trước đó trên tờ Financial Times từng đánh giá: định hướng chính sách đối ngoại Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp đất nước nhỏ bé ở Đông Nam Á đứng vững trước những biến động chính trị và sẽ đứng vững ngay cả trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tờ báo trích dẫn lời Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy, Susannah Patton nhận định: “Việt Nam đã được hưởng lợi từ chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của mình và khiến quốc gia này trở nên phù hợp với nhiều đối tác”.