Cùng với Le Monde, tờ báo chính luận lớn nhất nước Pháp, các tờ báo chính thống khác, như Le Figaro, Libération và hãng thông tấn AFP đều đồng loạt có bài đánh giá về những dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các tờ báo đều đưa tiểu sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những dấu mốc nổi bật trong sự nghiệp của ông.
“Sinh năm 1944 ở ngoại ô Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng trải qua quá trình học tập bài bản về lý luận. Vào năm 1997, ông được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan quan trọng quyết định đường lối chính trị của đất nước. Ông đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản vào năm 2011 và đã có 13 năm giữ chức vụ này với nhiều di sản để lại”.
Tờ Liberation nêu rõ: “Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên qua đời khi nắm quyền kể từ khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời năm 1986. Ông cũng là người đầu tiên có 3 nhiệm kỳ liên tiếp đứng đầu Đảng Cộng sản, kể từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới, thúc đẩy quá trình tự do hóa kinh tế vào năm 1986”.
Chiến dịch chống tham nhũng mang tầm vóc lịch sử
Các tờ báo đều đặc biệt nhấn mạnh đến những kết quả của cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo với những đánh giá, như “một chiến dịch chống tham nhũng mang tầm vóc lịch sử”; nỗ lực chống tham nhũng chưa từng có ở Việt Nam...
Tờ Libération nhận định: "Là một nhà kỹ trị, nổi tiếng kín đáo, trầm tĩnh, ông là người kiến tạo nên chiến dịch lớn chưa từng có khi đưa hơn 4.400 nhân vật sai phạm ra trước công lý trong hơn 1.700 vụ án tham nhũng kể từ năm 2021”.
Tờ Le Monde dẫn lời các chuyên gia đánh giá chiến dịch này được coi là lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và cũng là nỗ lực mang tầm cỡ nếu so sánh với bất kỳ quốc gia nào. Tờ báo dẫn lời Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự ở Paris Benoît de Tréglodé cho biết, với những gì đã làm, ông Nguyễn Phú Trọng chứng tỏ là “một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và kiên quyết”.
Hãng AFP của Pháp dẫn lời của chuyên gia cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng có quy mô lịch sử của ông Nguyễn Phú Trọng đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, điều có thể thấy rõ ở tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây.
“Ngoại giao cây tre” đặt Hà Nội ở điểm cân bằng giữa các mối quan hệ
Báo chí Pháp đặc biệt nhấn mạnh dấu ấn của Tổng Bí thư với trường phái "ngoại giao cây tre”. Nguyên tắc đối ngoại này đã mang lại cho Việt Nam không chỉ vị thế, sự nể trọng mà cả tình cảm của các bạn bè, đối tác truyền thống cũng như những cựu thù.
Cả tờ Le Monde và Le Liberation đều dẫn chứng: Ngay tin buồn về “sự ra đi” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được thông báo, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi lời chia buồn sâu sắc của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Tập Cận Bình sau đó đã tới viếng và ghi sổ tang gửi lời tạm biệt người đồng nhiệm Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh.
Tờ Le Monde và Le Figaro nhấn mạnh: Cũng ngay sau khi hay tin, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng gửi lời chia buồn, tỏ lòng kính trọng đối cá nhân nhà lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ca ngợi ông là “nhà lãnh đạo thúc đẩy nhiệt tình cho mối quan hệ” Hoa Kỳ - Việt Nam.
“Ông ấy là người thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Sự lãnh đạo của ông ấy đã giúp nuôi dưỡng tình hữu nghị và quan hệ đối tác mà hai nước có được ngày nay”, Tổng thống Joe Biden nói.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper ca ngợi: “Ông là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và trong nhiều thập kỷ đã đóng vai trò là cầu nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như giữa Việt Nam với phần còn lại của cộng đồng quốc tế”.
Tổng thống Liên bang Nga Putin - người vừa có cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây hơn một tháng, cũng gửi đi những tình cảm tiếc thương sâu sắc: “Nước Nga sẽ nhớ đến Tổng Bí thư như một người bạn thực sự có đóng góp cá nhân to lớn cho việc thiết lập và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Moscow và Hà Nội”. Ông Putin bày tỏ: “Tôi đã nhiều lần có dịp tiếp xúc với con người tuyệt vời đó và sẽ giữ mãi ấn tượng về ông”.
Các tờ báo đánh giá, hiếm có giai đoạn nào Việt Nam đạt được sự cân bằng về ngoại giao và tối đa hóa lợi ích như vậy.
Với các đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Phú Trọng đã áp dụng nguyên tắc khéo léo của “ngoại giao cây tre”, đặt Hà Nội ở vị trí cân bằng, làm đối tác của tất cả các bên, với mong muốn duy trì quyền tự chủ và độc lập chiến lược trước những nước lớn.