Báo chí cơ quan dân cử: Tiên phong "kiến tạo niềm tin" trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên số
Giữa sự bùng nổ thông tin trong kỷ nguyên số, khi thật - giả lẫn lộn và những luận điệu sai trái, xuyên tạc ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước xuất hiện ngày càng tinh vi, thì báo chí nói chung và báo chí của cơ quan dân cử nói riêng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng dư luận, lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ và kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
.jpg)
Bài 1:
Thách thức thời đại số
và sứ mệnh "kiến tạo niềm tin"
của báo chí cơ quan dân cử
Giữa sự bùng nổ thông tin trong kỷ nguyên số, khi thật - giả lẫn lộn và những luận điệu sai trái, xuyên tạc ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước xuất hiện ngày càng tinh vi, thì báo chí nói chung và báo chí của cơ quan dân cử nói riêng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng dư luận, lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ và kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với sứ mệnh là tiếng nói của cơ quan dân cử, của cử tri và Nhân dân, báo chí cơ quan dân cử không chỉ phản ánh trung thực hơi thở cuộc sống, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, mà còn góp phần tạo dựng “lá chắn” thông tin vững chắc để kiến tạo niềm tin cho Nhân dân giữa "cơn bão" thông tin trên môi trường số.

Khi không gian mạng thành
"đấu trường" tư tưởng

Bên cạnh những cơ hội to lớn mà kỷ nguyên số mang lại, thì không gian mạng đã trở thành "đấu trường" tư tưởng phức tạp, nơi các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để thực hiện việc "diễn biến hòa bình", phá hoại sự ổn định chính trị - xã hội.
Thực tế cho thấy, các thế lực này lập ra hàng ngàn trang web, blog, tài khoản mạng xã hội, và lôi kéo người tham gia thành lập nhiều hội, nhóm để phát tán luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, thông tin xấu độc theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Các đối tượng đã trộn lẫn thông tin thật – giả một cách tinh vi để hướng lái người dân theo luồng thông tin sai lệch; núp bóng “phản biện độc lập”, ngụy tạo sự khách quan để xuyên tạc nhiều vấn đề trong xã hội. Đáng chú ý, chúng còn thiết lập cơ sở dữ liệu, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data) để tạo ra các dữ liệu, tài liệu giả mạo với độ chân thực cao nhằm chống phá Việt Nam.
Nhận diện về vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh: trong bối cảnh thế giới đang thay đổi có tính thời đại, tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, xuất phát từ quy luật phát triển, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam, chúng tập trung phá hoại tư tưởng, tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phản kích, phủ định nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là “khâu đột phá”, “mặt trận quyết định".


Những thông tin xấu độc trên mạng xã hội không chỉ gây nhiễu loạn, mà sâu xa hơn là làm lung lạc niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Điều rất nguy hiểm, những nội dung được ngụy tạo tinh vi, núp bóng dưới cụm từ "phản biện xã hội". Không chỉ gây hoang mang dư luận, mà những thông tin xấu, độc còn trực tiếp tác động đến nhận thức, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cùng với đó, các đối tượng còn sử dụng thủ thuật công nghệ để tạo hiệu ứng đám đông, gây hoang mang, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Mỗi thông tin sai lệch, dù nhỏ, nếu chúng ta không nhận diện và xử lý kịp thời, có thể trở thành “mũi khoan mềm” làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào nền tảng tư tưởng cách mạng đã được hun đúc và gìn giữ suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đây là một thách thức lớn đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong đó có vai trò của báo chí cơ quan dân cử trên mặt trận tư tưởng.
Thực tế, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hàng ngàn trang web, blog, tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin chống Đảng, Nhà nước, kích động gây rối an ninh trật tự. Tỷ lệ gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật đã đạt trên 95%. Tuy nhiên, thông tin xấu độc, xuyên tạc và chống phá vẫn là một vấn đề nan giải. Trả lời chất vấn về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang cho rằng: một trong những nguyên nhân là do mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung tin giả, sai sự thật trên không gian mạng hiện nay chưa đủ sức răn đe (5-10 triệu đồng), và thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Báo chí cơ quan dân cử:
Ngọn hải đăng của niềm tin

Trong bối cảnh "bão" tư tưởng đang thử thách từng ngóc ngách niềm tin và lý tưởng trên không gian mạng, vai trò của báo chí, đặc biệt là báo chí của các cơ quan dân cử có vai trò quan trọng để định hình nhận thức xã hội. Không chỉ thực hiện chức năng đưa tin đơn thuần, mà với vị thế là tiếng nói chính thống của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tiếng nói của cử tri, báo chí cơ quan dân cử trở thành một kênh truyền thông chiến lược, đặc biệt hiệu quả trong việc củng cố niềm tin và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sứ mệnh ấy được hiện thực hóa thông qua việc báo chí của cơ quan dân cử phản ánh khách quan, minh bạch mọi hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, từ những kỳ họp của Hội đồng nhân, đến hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Những phiên giải trình của các cơ quan dân cử, những phiên thảo luận, chất vấn sôi nổi, tranh luận thẳng thắn trên nghị trường... để ra được những quyết sách hợp lòng Dân.
Nhận định về vai trò của báo chí, Trưởng phòng Công tác Quốc hội - Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Ái Vân đã nhấn mạnh, báo chí của cơ quan dân cử chính là kênh thông tin đáng tin cậy nhất để truyền tải kịp thời các nghị quyết, chính sách, và kết quả giám sát đến đông đảo quần chúng. Sự minh bạch này không chỉ giúp Nhân dân thấu hiểu sâu sắc hơn về tính khoa học, nhân văn của các quyết sách, mà còn là "liều vắc-xin" hiệu nghiệm để bác bỏ triệt để mọi luận điệu xuyên tạc về "dân chủ hình thức" hay "bộ máy quan liêu" từ đó kiến tạo và củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và phóng viên báo chí nước ngoài dự họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, chiều 4/5/2025
Không chỉ dừng lại ở việc chuyển tải thông tin, báo chí của cơ quan dân cử còn trở thành lực lượng tiên phong trong mặt trận tư tưởng. Với bản lĩnh chính trị vững vàng và nghiệp vụ sắc bén, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã có những tuyến bài phân tích sâu sắc phản bác trực diện những luận điệu sai trái, thù địch. Những nhà báo của cơ quan dân cử đã thực sự kiến tạo niềm tin bền vững trong Nhân dân bằng chính sức mạnh của sự thật, tính minh bạch và lập luận khoa học đầy sức thuyết phục về sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.
Hơn thế nữa, báo chí cơ quan dân cử còn là "tấm gương" phản chiếu sống động tiếng nói của Nhân dân. Không chỉ phản ánh sâu sắc những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mà phóng viên còn tích cực xuống cơ sở, hiện trường để lắng nghe, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền. Điều này tạo nên một sự tương tác hai chiều mang tính xây dựng. Chính hơi thở cuộc sống này là thông tin hữu ích cho các đại biểu dân cử khi tham gia phát biểu về các chính sách. Từ đó có những quyết đáp chính sách kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, hợp lòng Dân.

Minh chứng rõ nét cho vai trò cầu nối này, nhiều ĐBQH khẳng định: báo chí, nhất là báo chí của cơ quan dân cử là kênh thông tin đáng tin cậy của đại biểu dân cử. Đây là diễn đàn hai chiều đầy sức sống, nơi các ĐBQH, đại biểu Hội đồng Nhân dân bày tỏ quan điểm, phân tích chuyên sâu về các lĩnh vực, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Đây cũng là nơi cử tri và Nhân dân tin tưởng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn từ cơ sở, kiến nghị các giải pháp đối với Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Sự tương tác hai chiều này không chỉ giúp cơ quan dân cử, đại biểu dân cử nắm bắt kịp thời thực tiễn cuộc sống, mà còn tạo điều kiện để cử tri và Nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các đại biểu và cơ quan Nhà nước... Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cử tri, Nhân dân thêm tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh thông tin đa chiều và không gian mạng đầy biến động hiện nay, báo chí cơ quan dân cử – với sứ mệnh là cầu nối giữa Quốc hội, HĐND với cử tri và Nhân dân, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng Dân càng phải khẳng định vai trò là lực lượng tiên phong trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bằng chính tiếng nói chính thống, trung thực, chuẩn mực và mang tính định hướng, báo chí cơ quan dân cử không chỉ góp phần lan tỏa chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mà còn là ngọn cờ tư tưởng đi đầu giúp định hình niềm tin, củng cố sự đồng thuận xã hội. Giữ vững bản lĩnh chính trị, sắc sảo về chuyên môn và nhạy bén trước các vấn đề thời sự, báo chí cơ quan dân cử chính là lực lượng quan trọng trong việc bảo vệ mặt trận tư tưởng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới -kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tác giả: Hải Thanh
Trình bày: Duy Thông