Mong Quốc hội quan tâm cho phép nâng tiêu chuẩn của người làm báo
Tham gia chất vấn, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ, mục đích, vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, vấn đề đạo đức phóng viên đang rất được quan tâm trong những năm gần đây. Phân tích nguyên nhân liên quan đến kinh tế báo chí, Bộ trưởng cho biết, trước đây 80% số quảng cáo trực tuyến thuộc về báo chí, thì nay thuộc về mạng xã hội, tức là nguồn thu từ quảng cáo đối với các cơ quan báo chí giảm đáng kể.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị năm 2023 về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí. Đây sẽ là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Về kinh tế báo chí, Bộ trưởng cho rằng, báo chí cũng cần thay đổi công nghệ. Hiện nay, chúng ta đang có chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ của báo chí tương đương với các nền tảng xã hội. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đạo đức của người làm báo.
Nhận thấy vấn đề đạo đức báo chí trong nhiều năm chưa được quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam xác định trong nhiệm kỳ này là tập trung vào vấn đề đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Đề cập đến vấn đề ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu trục lợi? Qua đó, bảo đảm hoạt động báo chí bám sát tôn chỉ, mục đích để tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Bộ trưởng, so với con số 21.000 nhà báo có thẻ nhà báo và 45.000 người làm báo, thì những phóng viên vi phạm pháp luật bị bắt giữ chỉ là tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Bởi 80% số nhà báo bị bắt này thuộc những tạp chí nhỏ của các hội xã hội, hội nghề nghiệp - những nơi mà cơ quan chủ quản và Tổng Biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.
Để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố tiêu chí để nhận dạng thế nào là “báo hóa” tạp chí và đang công khai trên hầu hết các cơ quan báo chí và trang tin, mạng xã hội để cho toàn xã hội giám sát. Và khi tổ chức thanh tra, kiểm tra, Bộ cũng dựa trên những tiêu chí này và các cơ quan chủ quản cũng nhìn vào các tiêu chí này để đánh giá cơ quan báo chí của mình có dấu hiệu vi phạm hay không.
Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu công khai tôn chỉ, mục đích của 880 cơ quan báo chí trên các cổng thông tin điện tử để bất kỳ ai, tổ chức, địa phương nào cũng có thể vào tra cứu, để khi có phóng viên được cử đến làm việc thì xem hoạt động của phóng viên đó có đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tạp chí của họ hay không; nếu không đúng thì các cơ quan, đơn vị, địa phương được quyền từ chối, và nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo. Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã phân cấp cho các Sở nhiều hơn về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tạp chí, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.
Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua đã có một số quy định mới, như nếu phóng viên của cơ quan báo chí nào bị bắt thì Tổng Biên tập phải chịu trách nhiệm. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành một quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo…
Nhấn mạnh, đạo đức nghề báo vẫn câu chuyện cần phải quan tâm, vì nghề báo là nghề rất đặc biệt, một tiếng nói, một câu, một chữ có thể tác động đến hàng triệu người hay làm lan tỏa đến hàng hàng triệu người, Bộ trưởng cho rằng, "một nghề rất đặc biệt vì thế các tiêu chuẩn cũng phải rất đặc biệt". Do đó, trong sửa đổi Luật Báo chí sắp tới, Bộ trưởng mong Quốc hội quan tâm cho phép nâng tiêu chuẩn của người làm báo.
Nếu báo chí chạy theo mạng xã hội thì sẽ đứng ở phía sau!
Đặt vấn đề trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị Bộ trưởng cho biết, bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?
Khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế đã chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo là trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu.
Nêu rõ thực trạng nêu trên, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm. Trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch, bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách để đặt hàng báo chí.
Đây là sự thay đổi lớn. Thực tế cho thấy, "từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí". Khẳng định điều này, Bộ trưởng nêu rõ, trong kế hoạch sửa đổi Luật Báo chí hiện hành đã có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép "một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông nhưng kinh doanh để làm báo".
Bộ trưởng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội thì sẽ đứng ở phía sau. Do vậy, báo chí phải có sự khác biệt với mạng xã hội, đó là quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.
Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông. Đồng thời, trong quá trình sửa Luật Báo chí, Bộ cũng đề xuất theo hướng Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.