Báo cáo thẩm tra tạo động lực cho các hoạt động tại kỳ họp

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:47 - Chia sẻ
Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND có tác động tích cực, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy đại biểu HĐND thực hiện các hình thức giám sát khác tại kỳ họp. Đồng thời, giúp HĐND có những nghiên cứu, xem xét cẩn trọng để thông qua những nghị quyết sát đúng, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Chuẩn bị đầy đủ thông tin, số liệu

Chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm, lại là năm cuối nhiệm kỳ, HĐND các cấp phải nghiên cứu, xem xét rất nhiều báo cáo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, phải tập trung vào báo cáo phát triển kinh tế - xã hội trong năm và còn có báo cáo năm của địa phương. Do đó, đòi hỏi Ban của HĐND phải chuẩn bị thật chu đáo để hình thành nên các bản báo cáo thẩm tra có tính thuyết phục cao; cung cấp những thông tin, số liệu hữu ích giúp đại biểu HĐND thực hiện các hình thức giám sát khác và đưa ra quyết định tại kỳ họp.

Để có những báo cáo thẩm tra chất lượng, đòi hỏi Ban của HĐND phải tập trung khảo sát, giám sát. Ngay cả khi chưa nhận được báo cáo chính thức của UBND, các Ban của HĐND cũng có thể làm việc với ngành kế hoạch - đầu tư để nắm bắt thông tin xây dựng các chỉ tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; hay định hướng, nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư. Đối với ngành tài chính, để hiểu rõ tình hình thu chi ngân sách và dự toán ngân sách nhà nước của địa phương thời gian tới… các Ban của HĐND cũng làm việc với ngành tài nguyên - môi trường để nắm dần tình hình thực hiện và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn… Khảo sát để hiểu rõ việc thiết lập các chỉ tiêu, giải pháp về phát triển văn hóa xã hội mà UBND sẽ trình ra HĐND tại kỳ họp sắp tới.

Hình thành báo cáo thẩm tra có chất lượng

Thông thường, các Ban của HĐND đều chuẩn bị báo cáo thẩm tra lĩnh vực mình phụ trách theo quy định. Báo cáo thẩm tra của các Ban theo lĩnh vực là công việc thường xuyên có sự theo dõi, xem xét từ rất sớm nên nội dung các báo cáo rất cụ thể và chất lượng rất cao. Nhưng xem ra thẩm tra tình hình thực hiện và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của UBND trình HĐND còn hạn chế. Thực tế, có nơi Thường trực HĐND giao cho Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra, có nơi lại không phân công, nên Ban nào cũng thẩm tra lĩnh vực của mình trong báo cáo chung của UBND!

Thẩm tra báo cáo chung kinh tế - xã hội của một địa phương rất cần thiết. Đây là những chỉ tiêu cơ bản, những giải pháp chủ yếu quan trọng để định hướng phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở chính để xây dựng và thực hiện các lĩnh vực cụ thể khác. Hơn nữa tại kỳ họp thường lệ cuối năm của cuối nhiệm kỳ, HĐND còn thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm năm đến, nên cần đặc biệt quan tâm xây dựng báo cáo thẩm tra tốt hơn. Thế nhưng, nhìn chung báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội của HĐND còn phiến diện, sơ lược hoặc thiếu gắn kết; còn phân khúc làm cho đại biểu HĐND rất phân vân khi thảo luận, chất vấn và quyết định tại kỳ họp.

Đành rằng, quá trình khảo sát, giám sát các Ban của HĐND có thể hoạt động riêng. Nhưng Thường trực HĐND nên sớm phân công cụ thể cho Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì phối hợp với các ban khác để thẩm tra. Qua đó, các Ban của HĐND, nhất là lãnh đạo ban tham gia tích cực, có sự chỉ đạo của Thường trực HĐND để hoàn thiện một báo cáo thẩm tra chung có chất lượng, định hình cho các báo cáo thẩm tra theo từng lĩnh vực khác.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Bình họp thông qua dự thảo Báo cáo thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh

Ảnh: Văn Duyên 

Giúp HĐND thực hiện hiệu lực chức năng, quyền hạn

Tại kỳ họp HĐND, nhất là kỳ họp cuối năm, cuối nhiệm kỳ, không biết bao nhiêu báo cáo được trình ra HĐND. Đại biểu HĐND chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm không đủ thời gian để nghiên cứu tài liệu. Từ đó đại biểu rất quan tâm, tin tưởng những báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND để thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của mình. Khi thảo luận về kinh tế - xã hội, ngoài những điều thực tế từ cơ sở, ở đơn vị; đại biểu trước hết dựa vào báo cáo thẩm tra của Ban HĐND để tự tin, mạnh dạn phát biểu. Qua đó, các ngành chuyên môn mới phải đăng đàn để làm rõ và buộc phải thừa nhận những hạn chế, tồn tại.

Báo cáo thẩm tra của Ban HĐND còn giúp cho đại biểu HĐND, nghiên cứu những thông tin chính thống, có cơ sở pháp lý; thẳng thắn đặt câu hỏi cụ thể, chính xác tại phiên họp chất vấn. Phiên họp sẽ đi vào sôi động, cuốn hút, cử tri được giám sát, hiểu kĩ và càng cảm phục những đại biểu do chính mình lựa chọn bầu cử. Qua đó, buộc các thành viên của UBND cũng phải tập trung cao độ lắng nghe, ghi chép, đồng thời chuẩn bị trả lời chất vấn của đại biểu dân cử và hứa có những biện pháp khắc phục trong thời gian sắp đến.

Không những giúp cho đại biểu HĐND nghiên cứu những nội dung trong các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND, để thực hiện các hình thức giám sát tiếp theo trong các phiên họp đầu. Quan trọng hơn, những thông tin, số liệu trong các báo cáo thẩm tra sẽ giúp cho đại biểu xem xét, nghiên cứu để suy nghĩ và quyết định tại kỳ họp. Khi có số liệu, nội dung khác nhau trong các báo cáo thẩm tra của HĐND với tờ trình của UBND, đại biểu HĐND thảo luận càng kỹ và thuận theo thẩm tra của các Ban, để thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm hoặc 5 năm của địa phương.

Thẩm tra các báo cáo của UBND trình HĐND tại kỳ họp là điều kiện, cơ sở quan trọng để HĐND thực hiện các hình thức giám sát tiếp theo tại kỳ họp. Thẩm tra Báo cáo kinh tế - xã hội của một địa phương còn có tính tổng hợp, bao quát các báo cáo thẩm tra khác của Ban HĐND. Qua đó, giúp cho đại biểu HĐND có những nghiên cứu, xem xét để thảo luận, chất vấn và quyết định thông qua các nghị quyết sát đúng, hợp lòng dân, nhanh chóng đi vào đời sống xã hội.

TRẦN QUẢNG