BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ CHÍN, QUỐC HỘI KHÓA XII
LTS: Ngày 28 tháng 4 vừa qua, PHÓ CHỦ TỊCH QH TÒNG THỊ PHÓNG đã ký Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XII. ĐBND trân trọng giới thiệu toàn văn bản báo cáo.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: 733/BC-UBTVQH12
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2011
BÁO CÁO
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ CHÍN, QUỐC HỘI KHÓA XII
Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; qua đánh giá của cử tri tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội sau kỳ họp; dư luận xã hội và từ thực tế diễn biến kỳ họp, ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận và thống nhất đánh giá, rút kinh nghiệm về kỳ họp thứ chín, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (từ ngày 21-3 đến ngày 29.3.2011) như sau:
Đây là kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra vào thời điểm Đại hội lần thứ XI của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; cả nước đang khẩn trương đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống; đồng thời tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Nội dung chương trình kỳ họp chủ yếu tập trung đánh giá bổ sung việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011; xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngoài ra, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thực hiện công tác lập pháp và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Với công tác chuẩn bị chu đáo, tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự đã đề ra. Kết quả đạt được của kỳ họp tiếp tục góp phần khẳng định Quốc hội khóa XII có nhiều đổi mới và tiến bộ cả về tổ chức, phương thức hoạt động, hiệu lực và hiệu quả được nâng lên; các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng, rút ra được nhiều kinh nghiệm để Quốc hội khóa XIII và các khóa tiếp theo tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Thành công của kỳ họp thứ chín cũng như những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII là kết quả của sự phấn đấu nỗ lực của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hữu quan và sự quan tâm, giám sát, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước. Đồng thời, tiếp tục khẳng định tính đúng đắn trong việc tăng cường đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.
I. VỀ KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA KỲ HỌP
1. Xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ trình Quốc hội. Nhìn chung, các báo cáo đạt yêu cầu về chất lượng, có tính tổng hợp, khái quát cao, phản ánh khá đầy đủ kết quả hoạt động trong suốt nhiệm kỳ; phân tích, đánh giá sâu sắc, cụ thể những ưu điểm và những hạn chế, yếu kém, làm rõ các vấn đề thực tiễn. Đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm và kiến nghị xác đáng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. Các vị đại biểu Quốc hội đã chủ động, tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến thẳng thắn, nghiêm túc, xây dựng, thể hiện tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Nội dung thảo luận các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đã được các phương tiện thông tin đại chúng chuyển tải kịp thời đến cử tri và nhân dân cả nước; được tổng hợp đầy đủ bằng văn bản để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan. Quốc hội thống nhất nhận định: bốn năm qua, trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ và giám sát của nhân dân, kế thừa, phát huy những thành quả, những bài học kinh nghiệm của các khóa trước, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
2. Công tác lập pháp
Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật phòng, chống mua bán người và Luật kiểm toán độc lập; cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô. Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng và được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình xây dựng dự án luật. Các luật được thông qua với tỷ lệ tán thành cao, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện tiếp quy trình, thủ tục tố tụng dân sự, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự; tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm toán độc lập và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến mua, bán người. Quốc hội đã thảo luận, xem xét toàn diện các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô và giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp sau.
3. Quyết định các vấn đề quan trọng
Tuy thời gian kỳ họp ngắn nhưng Quốc hội đã dành một ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010 và việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011. Trên cơ sở các thông tin được cung cấp khá đầy đủ, kịp thời, đa dạng, nhiều chiều, Quốc hội đã thảo luận, phân tích toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn về chỉ đạo, điều hành và quản lý vĩ mô, trong đó có những nội dung quan trọng như: tình hình triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng đầu tư trở lại cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam; trách nhiệm về quản lý và việc xử lý sai phạm tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Quốc hội khẳng định những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần phấn đấu, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào cuộc sống. Đồng thời, với sự giám sát chặt chẽ, tạo điều kiện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; công tác chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, nước ta vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, chuẩn bị tốt cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Tuy nhiên, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục phấn đấu khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Với sự nhất trí cao, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII, nhấn mạnh một số nội dung về kết quả đạt được, tồn tại, khuyết điểm và các giải pháp trong thời gian tới liên quan đến kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước; tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
II. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NỘI DUNG CầN QUAN TâM CHỈ ĐẠO TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Tồn tại, hạn chế
- Việc chuẩn bị dự án Luật Thủ đô chưa mang tính thuyết phục, chưa tạo sự đồng thuận cao; một số nội dung trong báo cáo tổng kết của một số cơ quan trong thiết chế bộ máy nhà nước chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ theo luật định, chưa có tính chất tổng kết, đánh giá sâu sắc.
- Việc cung cấp, phục vụ một số tài liệu còn chậm, nội dung chưa sát chuyên đề, còn thiếu thông tin tham khảo..., ảnh hưởng đến việc tự nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng của đại biểu Quốc hội.
2. Một số nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới
2.1. Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng đoàn Quốc hội về hoạt động của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; công tác tổ chức nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII sắp tới.
2.2. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết kỳ họp thứ chín vừa được Quốc hội thông qua. Chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan trong việc sớm chuẩn bị các nội dung của kỳ họp. Phát huy hơn nữa vai trò, trí tuệ và trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội chuyên trách và sự đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.
2.3. Nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan trong Bộ máy nhà nước đã trình Quốc hội tại kỳ họp này; đồng thời có biện pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới.
2.4. Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII; tổ chức thảo luận lấy ý kiến đóng góp ở địa phương về các dự án luật mà Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII đã gửi xin ý kiến; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương và thực hiện một số công tác khác để góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội khóa XII và tích cực chuẩn bị cho hoạt động của Quốc hội khóa XIII.
2.5. Tiếp tục phát huy và tăng cường tính tranh luận, đối thoại trong các phiên thảo luận tại Quốc hội; cải tiến, đổi mới hơn nữa cách thức điều hành kỳ họp; tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội kịp thời và đầy đủ; giải trình thấu đáo, thuyết phục; gợi ý thảo luận rõ, trúng vấn đề; kiên quyết, nghiêm túc hơn trong việc chuẩn bị và gửi tài liệu các nội dung trình Quốc hội đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và của cử tri; đồng thời đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình để các kỳ họp sau của Quốc hội ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.
*
* *
Trên đây là một số vấn đề cơ bản về đánh giá kết quả kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII, Ủy ban thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
PHÓ CHỦ TỊCH
TÒNG THỊ PHÓNG