Người lan tỏa tư tưởng Mác-Lenin đến thế hệ trẻ
Bài báo viết: “Vài giờ trước lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève đánh dấu chiến thắng của Việt Nam trước đế quốc Pháp xâm lược, một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại trong công cuộc xây dựng đất nước và của Đảng Cộng sản trong thập niên qua đã qua đời: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng”.
Tác giả bài báo điểm lại tiểu sử của nhà lãnh đạo Việt Nam với những lưu ý về phẩm chất của người Cộng sản được bộc lộ ngay từ nhỏ: “Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ra ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Gia đình ông thuộc tầng lớp nông dân nghèo, nhưng nhờ sự kiên trì và đam mê học tập, ông đã đỗ vào Đại học Quốc gia Việt Nam, nơi ông học chuyên ngành Ngữ văn tại Hà Nội, từ năm 1963 đến năm 1968. Ông Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành Đảng viên Cộng sản của Việt Nam (PCV) vào tháng 12.1968. Ông làm việc cho tạp chí Lý luận Cộng sản của PCV trong thời gian từ 1963 đến 1981, cuối cùng trở thành Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Là người có tư tưởng và sáng suốt, Người đã biết lan tỏa tư tưởng Mác-Lenin đến thế hệ mới bằng những bài báo, tác phẩm đặc sắc. Tuy nhiên, ông không bao giờ đi chệch khỏi thực tiễn cần thiết để chứng thực giá trị của các ý tưởng.
Ông Nguyễn Phú Trọng sang Liên Xô năm 1981, theo học tại Viện Hàn lâm Khoa học và nhận bằng Nghiên cứu sinh Khoa học Lịch sử năm 1983. Năm 1998, ông Nguyễn Phú Trọng phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng, trở thành một trong những nhà lý luận chính trị kiệt xuất của Việt Nam, tiếp tục chỉ đạo Hội đồng lý luận Ban Chấp hành Trung ương Đảng phụ trách công tác lý luận của Đảng giai đoạn 2001 - 2006.
Lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng bằng bàn tay trách nhiệm và cứng rắn
Ngoài việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông còn là Bí thư Quân ủy Trung ương và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong lĩnh vực này, ông đã có thành tích rất đáng chú ý khi giúp “dọn cỏ” đối với những quan chức xa rời tư duy về các nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản, sa vào cám dỗ của chủ nghĩa tư bản, chẳng hạn như có những hành vi tham nhũng gây hại cho lợi ích của Nhân dân, của Nhà nước. Bằng bàn tay trách nhiệm nhưng cũng sự cứng rắn cần thiết trong chỉ đạo xử lý những vụ án, vụ việc này, ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương với tinh thần "không có vùng cấm" mà người dân Việt Nam luôn cảm phục và biết ơn.
Từ tháng 1.2000 đến tháng 6.2006, ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức Bí thư thành ủy Hà Nội. Ngày 26.6.2006, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Người thứ ba trong lịch sử đồng thời lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Ngày 23.10.2018, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước thứ 9 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại phiên họp toàn thể thường kỳ của Quốc hội. Với dấu mốc này, ông trở thành người thứ ba trong lịch sử đồng thời lãnh đạo Đảng và Nhà nước sau Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh.
Không chỉ có những bài viết sâu sắc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tờ báo cũng liên tục cập nhật thông tin về việc bạn bè quốc tế dành tình cảm cho vị lãnh đạo của Việt Nam, với những bài viết như "Ấn Độ thương tiếc lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời"; "Triều Tiên gửi đi lòng tiếc thương vô hạn đối với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam"; "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam"...
Ngày 18.7.2024, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ trao Huân chương Sao Vàng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đây là danh hiệu cao quý nhất mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng cho những cá nhân có đóng góp đáng kể và đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ngoài ra, trong sự nghiệp chính trị của mình, ông còn được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng rất nhiều bằng khen khác.
Một ngày sau, 19.7, nỗi lo lắng của triệu triệu trái tim Việt Nam đã trở thành sự thật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Tuy nhiên, ông vẫn mãi mãi được nhớ tới như một nhà lãnh đạo trung thành với các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa cộng sản, nhưng trên hết mọi người chắc chắn sẽ nhớ đến ông như một "chiến binh" kiên định - người truyền tải những tư tưởng cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà yêu nước vĩ đại khác của Việt Nam để lại.